Thứ Ba, 01/10/2024 16:21 CH
Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu:
Cần được hỗ trợ để vượt khó
Thứ Ba, 17/02/2009 07:30 SA

Khủng khoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, mà rõ nhất là những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Không ít xí nghiệp, nhà máy ở Phú Yên đang trong tình trạng sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất.

 

may-XK-090217.jpg

Công ty cổ phần An Hưng nỗ lực ổn định sản xuất tạo việc làm cho người lao động - Ảnh: N.T

 

KHÓ KHĂN SẼ CÒN KÉO DÀI

 

Đang giữa vụ sản xuất, nhưng trước cổng nhà máy chế biến tinh bột sắn Sông Hinh của Công ty cổ phần Tinh bột sắn FOCOCEV vắng lặng, trái ngược với cảnh hàng trăm xe chất đầy sắn xếp hàng chờ vào nhà máy của những tháng trước đó. Đây là thời điểm thuận lợi cho sản xuất, nhưng lượng sắn nhập về nhà máy không nhiều, mặc dù vùng nguyên liệu sắn Sông Hinh với hơn 6.600ha, vẫn còn khoảng 4.000ha chờ thu hoạch. Tháng 8/2008, vào đầu niên vụ sắn 2008-2009, Công ty FOCOCEV mua nguyên liệu với giá 1.100 đồng/kg, nay chỉ còn 570 đồng/kg (loại 30% chữ bột). Giá sắn giảm gần 50% không đủ bù đắp chi phí công thu hoạch đang tăng cao đã làm cho nông dân không còn mặn mà trong việc thu hoạch sắn. Ông Đàm Thanh Trung, phụ trách nguyên liệu của Công ty FOCOCEV giãi bày: Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu, nhưng từ tháng 8 đến nay, việc xuất khẩu tinh bột sắn bị đình trệ, mặc dù giá giảm từ 295USD/tấn xuống còn 190USD/tấn. Hiện công ty còn tồn kho 13.000 tấn sản phẩm, giá trị gần 50 tỉ đồng phải chịu lãi suất cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty, nếu không nói đang bị thua lỗ. Sự sụt giảm của thị trường thế giới đã buộc các nhà máy chế biến tinh bột sắn trong nước phải giảm giá mua nguyên liệu, chứ không riêng gì FOCOCEV.

 

Hầu hết như các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong nước nói chung, Phú Yên nói riêng đang chịu sự tác động của thị trường thế giới trong lúc suy thoái kinh tế toàn cầu. May mặc cũng là ngành hàng đang ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới. Năm 2008, Công ty cổ phần An Hưng đạt giá trị xuất khẩu 51 tỉ đồng. So với năm trước, sản lượng tăng 20% nhưng doanh thu chỉ tăng 3% do giá bán sản phẩm giảm 20% nên hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty này không bằng năm trước. Duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho 1.300 lao động đang là thách thức không nhỏ đối với Công ty cổ phần An Hưng.

 

Tại KCN An Phú, nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu cũng đang trong tình cảnh sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa cho công nhân nghỉ việc. Phó giám đốc Công ty TNHH Bá Hải Lê Hải Đăng cho biết: Từ nhiều tháng nay, doanh nghiệp đã cắt giảm sản xuất đến 60%, trong số hơn 100 lao động, công ty đã giải quyết tạm ngừng làm việc 65 người. Lý do hoạt động sản xuất công ty này sụt giảm không chỉ vì thiếu nguyên liệu do thời vụ khai thác thủy sản cuối mùa, mà chính là xuất khẩu gặp khó khăn. Theo ông Đăng, giá cả sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, EU đều giảm mạnh, nhưng các đối tác cũng không muốn nhận hàng. Đối với các hợp đồng đã ký, không ít lần họ yêu cầu giãn thời gian giao hàng mà không nói rõ lúc nào nhận hàng; còn hợp đồng mới thì không ký. Còn tại Công ty cổ phần Chế biến nông sản Phú Yên, nơi tạo việc làm cho gần 1.000 lao động tham gia chế biến nhân hạt điều xuất khẩu, cũng trong tình trạng sản xuất suy giảm. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc công ty cho biết, giá nhân hạt điều xuất khẩu vào các thị trường Úc, Mỹ, Canada giảm 30% đang gây khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp. Hiện tại, công ty này vẫn còn nguyên liệu sản xuất đến hết quý I/2009, nhưng sản xuất cắt giảm 20-30%. Theo báo cáo của BQL Khu kinh tế Phú Yên, số lao động làm việc tại KCN An Phú vào tháng 7/2008 có 888 người, nhưng đến cuối năm 2008 chỉ còn 655 người do các công ty thu hẹp sản xuất, tinh giảm lao động để tránh thua lỗ.

 

CẦN THIẾT CÓ SỰ HỖ TRỢ

 

Theo nhận định của các lãnh đạo doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa do suy thoái kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục. Ông Trần Vĩnh Xuân, Giám đốc Công ty FOCOCEV cho biết, khi nhu cầu tiêu thụ giảm thì các nước nhập khẩu còn dựng những rào cản kỹ thuật khắt khe để hạn chế nhập khẩu, do đó sản phẩm xuất khẩu ngày càng gặp khó khăn. Mặc dù sản xuất trước mắt nhiều khả năng thua lỗ, nhưng Công ty FOCOCEV vẫn duy trì sản xuất để tiêu thụ sắn cho nông dân, chờ thị trường thế giới hồi phục trở lại. Còn ông Bùi Xuân Khương, Phó giám đốc Công ty cổ phần An Hưng giãi bày: “Trước tình hình khó khăn chung hiện nay, công ty cố gắng tìm kiếm đơn hàng để ổn định việc làm cho 1.300 lao động tại 3 cơ sở sản xuất chứ không tính đến hiệu quả lời lãi”.

 

Duy trì sản xuất, ổn định việc làm để góp phần bảo đảm an sinh xã hội đang là những cố gắng lớn của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu địa phương. Những nỗ lực đó cần được sự động viên, hỗ trợ của Nhà nước, các ngành liên quan. Thực tế, trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để giúp các doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn mà gần đây nhất là chính sách    hỗ trợ 4% lãi vay tín dụng được thực hiện từ đầu tháng 2/2009 được các doanh nghiệp phấn khởi đón nhận.

 

Tuy vậy, các doanh nghiệp còn mong muốn có sự giúp đỡ thiết thực từ các ngành liên quan để góp phần hơn nữa vào việc hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu địa phương trên thị trường thế giới. Ổn định việc cung cấp điện là mong muốn của nhiều doanh nghiệp. Tình trạng mất điện đột xuất như thời gian qua gây bức xúc cho không ít đơn vị sản xuất kinh doanh. Trong khi các doanh nghiệp cố gắng cắt giảm chi phí sản xuất nhưng gặp sự cố mất điện đột xuất thì đình trệ sản xuất, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Phó giám đốc Công ty cổ phần An Hưng Bùi Xuân Khương còn kiến nghị: Đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, như công ty An Hưng, mỗi tháng đóng bảo hiểm xã hội trên 200 triệu đồng, trong thời điểm doanh nghiệp khó khăn hiện nay nên được giãn kế hoạch nộp bảo hiểm xã hội như việc chậm nộp thuế.

 

Các đơn vị xuất khẩu cũng cho rằng, việc doanh nghiệp xuất khẩu thu về ngoại tệ chỉ được bán cho các ngân hàng thương mại cũng là thiệt thòi. Bởi vì biên độ tỉ giá ngoại tệ của ngân hàng chỉ tăng giảm trong khoảng 2%, trong khi thị trường tự do là 8-12%; tính ra bán cho ngân hàng 100.000 USD, doanh nghiệp thiệt mất 150-200 triệu đồng. Đây là thu nhập không nhỏ đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn nếu ngân hàng Nhà nước có sự điều chỉnh phù hợp tỉ giá ngoại tệ với thị trường.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek