Hiện nay, giá mía đang tăng cao, nhiều nông dân ước tính có lãi lớn. Song năng suất và sản lượng mía lại giảm vì năm qua nông dân ít đầu tư, chăm sóc.
Nông dân huyện Đồng Xuân thu hoạch mía - Ảnh: H.NAM
NÔNG DÂN PHẤN KHỞI
Cây mía hiện đang “lên ngôi” sau một năm rớt giá. Niên vụ 2008-2009, Nhà máy đường KCP mua sô 567.000 đồng/tấn mía tại nhà máy, các đại lý mua tại đám 430.000 đồng/tấn (trừ công bốc vác, vận chuyển). Với giá này, nhiều nông dân thu nhập cao.
Ông Trần Văn Thảo ở xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) chuẩn bị thu hoạch 1,5ha mía cao sản, ước tính trừ các khoản chi phí, ông thu 60-80 triệu đồng. “Năm ngoái, muốn bán mía, tôi phải mất nhiều ngày đi liên hệ đại lý vì số người bán nhiều. Còn năm nay, trong tết đã có đại lý tìm đến nhà hỏi mua” – ông Thảo cho biết. Tuy nhiên, do giá mua mía năm ngoái thấp, nên năm qua ông Thảo thiếu quan tâm đầu tư, dẫn đến sản lượng mía vụ này không bằng các vụ trước. Không chỉ riêng ông Thảo, đa số người trồng mía trong niên vụ qua vừa trồng vừa trông ngóng giá. Nhiều người trồng trang trại và trồng nhỏ lẻ e ngại trong khâu đầu tư.
Sở hữu trang trại 1ha mía ở thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1 (Đồng Xuân), ông Hồ Văn Hải phấn khởi: “Giá mua mía năm nào cũng cao như năm nay thì nông dân mau giàu. Cây mía đứng vững trong trang trại, cha mẹ có nguồn thu nhập, các con có điều kiện ăn học”.
DIỆN TÍCH, NĂNG SUẤT GIẢM
Thống kê của Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Phú Hòa, niên vụ mía 2008-2009, toàn huyện xuống giống trồng 798ha mía, giảm hơn 50 ha so với năm trước. Trong khi đó diện tích sắn của huyện tăng gấp đôi với 410 ha, vượt 142% so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân là nông dân bỏ mía chạy theo sắn.
Còn ở huyện Sơn Hòa, chỉ tính riêng xã Sơn Long, nông dân nơi đây trồng 309ha mía, sản lượng ước 12.500 tấn, giảm 190 tấn so với năm trước. Do người dân ít đầu tư, mưa kéo dài nên sản lượng mía giảm. Chủ tịch UBND xã Sơn Long Phạm Trọng Khoan cho biết: “Các thôn Trung Trinh, Phong Hậu là vùng trọng điểm mía, niên vụ qua nhiều người quay lưng với mía chuyển sang trồng sắn. Một số diện tích mía ở thôn Vân Hòa nông dân không mạnh dạn đầu tư “khoán” trắng cho đất vì vậy sản lượng giảm”.
Huyện Đồng Xuân diện tích trồng mía giảm từ 4.250ha xuống còn 3.020ha. Không chỉ diện tích giảm mà năng suất giảm, dọc theo các vùng trồng mía chuyên canh lâu năm như Gò Ổi (Xuân Quang 2), Kỳ Lộ (Xuân Quang 1) mía năm nay không đứng thẳng hàng, cây nhỏ. Ông Nguyễn Thanh Tùng, ở xóm Gò Ổi nói: “Năm nay, bà con để mía lưu gốc nhiều lại ít chăm sóc nên mía cây nhỏ”. Theo Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân, năng suất mía giảm 3 tạ/ha. Ông Nguyễn Hoàng Sinh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “Sắp đến cần bảo đảm vùng nguyên liệu mía, đầu tư kinh phí vào hệ thống bơm tưới phát triển vùng nguyên liệu mía ở Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1, nhằm đưa năng suất tăng cao”.
Hiện nay, so với sắn, lúa thì cây mía đem lại nguồn thu vượt trội hơn cho nông dân. Tuy nhiên, nhiều người trồng mía đang lo ngại là khi thấy giá mía cao, sắp đến nhiều người đổ xô phát triển diện tích mía, nhất là diện tích ngoài vùng quy hoạch. Nếu điều đó xảy ra, lượng mía nhiều ắt hẳn sẽ “kéo” giá mía giảm xuống, việc tiêu thụ sẽ khó khăn hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên, hiện nay diện tích mía của tỉnh đã giảm hơn 1.800 ha so với vụ trước, chỉ còn 18.500 ha. Niên vụ 2008 - 2009, năng suất mía của tỉnh dự kiến đạt bình quân 55 tấn/ha với sản lượng 1.018.300 tấn mía cây, giảm 30.000 tấn so với niên vụ trước.
LÊ TRÂM