Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Phú Yên đang triển khai dự án Xây dựng thương hiệu Bánh tráng Phú Yên với gần 600 hộ dân tham gia. Đây là dự án mang tên JBIC thuộc chương trình tín dụng chuyên ngành V (SPL-5) với mục tiêu giảm nghèo và nâng cao phát triển bền vững kinh tế xã hội trong các làng nghề truyền thống do Nhật Bản tài trợ. Xung quanh dự án này, ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên cho biết:
Sản xuất bánh tráng ở Hòa Đa (Tuy An) - Ảnh: LY KHA |
Với lợi thế là vựa lúa miền Trung, ở Phú Yên có nhiều làng nghề tráng bánh lâu đời, khá nổi tiếng như Hòa Đa, Đông Bình… Khảo sát của Liên minh HTX Phú Yên cho thấy, bánh tráng Phú Yên được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ rất ưa chuộng. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, bánh tráng Phú Yên vẫn chưa có thương hiệu chính thức. Do đó, Liên minh HTX tỉnh Phú Yên được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tiếp cận dự án JBIC để triển khai. Mục tiêu chính của dự án là nhằm hỗ trợ cho nông dân, lao động nghèo Phú Yên chuyên nghề làm bánh tráng tiếp cận được với kỹ thuật làm bánh hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân.
* Thưa ông, phải dựa trên những cơ sở nào để được lựa chọn là làng nghề truyền thống về bánh tráng?
- Hầu hết các địa phương ở Phú Yên đều làm nghề tráng bánh với quy mô khác nhau. Theo dự án, chúng tôi đã chọn 4 địa phương có truyền thống làm bánh lâu đời để thực hiện hỗ trợ xây dựng thương hiệu bánh tráng. Cụ thể là xã Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa), làng Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa), làng Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) và xã Xuân Bình (huyện Sông Cầu). Những địa phương trên được dự án chọn vì nghề làm bánh tráng tại những nơi này là nghề truyền thống, có số lượng người tham gia đông, hầu hết tâm huyết với nghề. Ngoài ra, các yếu tố như nguyên liệu đầu vào được đảm bảo, kỹ thuật tráng bánh của người dân những nơi này cũng thành thục hơn so với các nơi khác. Ngoài việc làm ra bánh tráng thông thường, người làm có thể phát triển thêm các sản phẩm từ bột gạo như bánh phở, bánh tráng mè, bánh tráng dừa… theo lợi thế từng địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
* Xin ông cho biết cách thức triển khai dự án như thế nào để đạt mục tiêu đề ra?
- Để đạt mục tiêu đề ra, suốt thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, điều tra các xã trực tiếp triển khai dự án. Tiếp theo, chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo cho chính người dân tự đánh giá khả năng phát triển kỹ thuật tráng bánh của họ, chất lượng sản phẩm làm ra cũng như thị trường tiêu thụ. Sau đó chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến và trao đổi với những người có tiếng trong nghề tráng bánh và mời họ về Phú Yên để truyền nghề, nhằm giúp người dân làm ra sản phẩm đạt chuẩn theo yêu cầu và có thể bảo quản được lâu.
* Hiện bánh tráng Phú Yên chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa. Một khi xây dựng thương hiệu, sản phẩm làm ra sẽ rất lớn, làm thế nào để tiêu thụ ổn định?
- Muốn tiêu thụ được thì sản phẩm khi ra lò phải đạt chất lượng. Bên cạnh đó, chúng tôi đang nỗ lực tìm càng nhiều đầu ra càng tốt và triển khai phối hợp với các siêu thị, các hệ thống bán lẻ có quy mô lớn hiện có tại Phú Yên để đưa sản phẩm vào đó tiêu thụ nhằm mục đích thu được lợi nhuận và phát triển thương hiệu về lâu dài. Có như vậy mới đạt được mục tiêu giúp bà con có thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình để giữ vững làng nghề truyền thống, tiến tới xây dựng thương hiệu Bánh tráng Phú Yên.
XUÂN HUY