Thứ Tư, 02/10/2024 05:43 SA
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa
Thứ Hai, 15/05/2006 15:04 CH

Do còn hạn chế về thông tin, nên thị trường nông thôn nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói riêng đang là đích ngắm của các đối tượng sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Vậy làm thế nào để bảo vệ quyền lợi và giúp họ có được những thông tin cơ bản về các loại hàng hoá tiêu dùng trên thị trường?

 

060515-cho.jpg

Ít nắm bắt thông tin, trước "rừng" hàng hóa, người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa khó phân biệt được hàng thật - giả - Ảnh: TTO

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách ưu đãi hỗ trợ cho đồng bào miền núi. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của bà con dân tộc đã có nhiều đổi mới, hàng tiêu dùng về đến xã, bản ngày càng nhiều. Tuy nhiên, do bà con có rất ít thông tin về thị trường, giá cả thường chỉ biết tiếp nhận những gì mà người buôn bán cung cấp. Đây chính là điều kiện thuận lợi để hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có “đất sống”. Bên cạnh đó là khó khăn về đường đi lại, lực lượng cán bộ quản lý thị trường quá mỏng, khiến công tác quản lý chất lượng hàng hoá, cũng như kiểm soát thị trường hàng tiêu dùng tại các thị trấn, thôn, buôn còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cho biết: “Hàng giả hiện nay không chỉ có mặt ở các thị trấn, thị xã mà còn xuất hiện cả ở vùng sâu, vùng xa, trước một đối tượng tiêu dùng rất hạn chế về thông tin, trình độ dân trí cũng hạn chế. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa như thế nào là vấn đề lớn đặt ra cho chúng tôi. Đây là vấn đề rất khó khăn bởi lực bất tòng tâm, giữa mong muốn của mình với điều kiện thực tế về nhân lực, cơ sở vật chất để thực thi nhiệm vụ. Rõ ràng chỉ cán bộ quản lý thị trường thôi thì chúng tôi không đủ sức làm mà rất cần có sự phối hợp liên ngành".

 

Người tiêu dùng miền núi quan tâm trước tiên thường là giá cả và số lượng, chứ không phải là về chất lượng. Chính vì thế, việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm hàng hoá dịch vụ có chất lượng và hiệu quả của người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế.

 

Để có thể tạo ra thị trường tiêu dùng lành mạnh, cũng như đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, thì vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải nâng cao nhận thức cho người dân, tuyên truyền, giáo dục ý thức tiêu dùng đối với bà con dân tộc, như: cách lựa chọn các loại hàng hoá, cách đọc thông tin trên một sản phẩm, một số đặc điểm nhận dạng hàng nhái, hàng giả, biết vận dụng những thông tin được khuyến cáo. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cùng chính quyền địa phương cần phải tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ tại các địa bàn miền núi. Lực lượng quản lý thị trường có thể vừa làm công tác kiểm tra, vừa tuyên truyền giới thiệu để cho bà con phân biệt được một số hàng, cái nào là hàng đúng chất lượng và hàng không đúng chất lượng.

 

Bên cạnh đó, mạng lưới cửa hàng, điểm mua bán quốc doanh tới huyện và các trung tâm cụm xã nhằm cung ứng một số vật tư, mặt hàng thiết yếu thuộc diện chính sách trượt giá, trợ cước cũng cần được tăng cường. Một mặt vừa tạo mạng lưới thu mua sản phẩm nông sản cho bà con, mặt khác cũng hạn chế việc hàng kém chất lượng, hàng giả có điều kiện tiêu thụ.

 

(VOV)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek