Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 4 doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu với năng lực chế biến 50.000 tấn hạt điều thô, sản xuất 15.000 tấn nhân hạt điều xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động. Trong khi năng lực chế biến hạt điều của tỉnh tiếp tục mở rộng, thì vùng nguyên liệu chưa phát triển tương xứng. Qua 3 năm triển khai dự án đầu tư phát triển cây điều, Phú Yên chỉ trồng được 437 ha, mới đạt 4,7% kế hoạch.
Người dân xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân) thu hoạch hạt điều - Ảnh: N.TRƯỜNG
Phú Yên có lợi thế phát triển cây điều trên nhiều chân đất như vùng đất cát ven biển, vùng đồi núi phía tây. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, các chương trình 327, PAM đã hỗ trợ Phú Yên trồng được 3.500 ha điều, nhưng với chức năng phòng hộ là chính, chưa chú trọng đến các yếu tố kỹ thuật, do đó hiệu quả kinh tế chưa cao. Tính ra, chỉ có 2.000 ha cho thu hoạch với năng suất bình quân 5 tạ/ha, nghĩa là mỗi năm Phú Yên thu hoạch được 1.000 tấn điều thô, chiếm một phần rất nhỏ so với nhu cầu nguyên liệu chế biến của các nhà máy trong tỉnh.
Để đáp ứng nguyên liệu cho ngành chế biến nhân hạt điều xuất khẩu, từ năm 2001, Phú Yên đã có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu điều với diện tích 10.000 ha. Ngay trong năm đó, Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên đã triển khai đề tài khoa học về tuyển chọn và nhân giống điều ghép. Kết quả trồng thực nghiệm ở nhiều vùng trong tỉnh cho thấy cây điều ghép sau 3 năm trồng đã cho sản phẩm với năng suất 5 tạ/ha và đạt từ 1,2 đến 1,5 tấn/ha từ năm thứ 5 trở đi, diện tích thâm canh tốt cho đến 3 tấn/ha.
Năm 2006, UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho ngành Nông nghiệp triển khai dự án đầu tư phát triển cây điều giai đoạn 2006 - 2010 với mục tiêu cải tạo 3.000 ha điều già cỗi và trồng mới 7.000 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án này hơn 67,3 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư 24,1 tỉ đồng, bình quân mỗi ha điều trồng có vốn đầu tư 12 triệu đồng thì Nhà nước hỗ trợ 3,4 triệu đồng bằng cây giống điều ghép, 60 kg phân vi sinh và 100.000 đồng công chăm sóc. Nếu dự án này hoàn thành, thì sau năm 2010, mỗi năm Phú Yên sẽ có trên 10.000 tấn hạt điều thô. Sản lượng đó cũng chỉ chiếm 20% nhu cầu nguyên liệu của các cơ sở chế biến trong tỉnh hiện nay.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư phát triển cây điều Phú Yên, với giống điều ghép được tuyển chọn từ cây đầu dòng, trồng trên đất đồi, nương rẫy nghèo dinh dưỡng vẫn có khả năng cho năng suất 1 tấn/ha trong suốt thời kỳ kinh doanh 20 năm. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, cây điều còn có tác động tích cực về mặt môi trường, nhất là đối với vùng đồi núi sau nhiều năm khai thác đất đã bạc màu đang cần cải tạo đất là rất cần thiết. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà việc phát triển cây điều chưa được chú ý nên diện tích điều của tỉnh Phú Yên chẳng những không tăng mà còn có khuynh hướng giảm do người dân phá bỏ để trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn.
Thực tế cho thấy, qua 2 năm đầu triển khai dự án, toàn tỉnh chỉ trồng được 287 ha điều và năm nay có thêm 350 hộ đăng ký trồng trên diện tích 150 ha. Điều đó cho thấy dự án đầu tư phát triển cây điều của Phú Yên khó trở thành hiện thực. Sông Cầu là huyện được chú trọng phát triển cây điều thuộc dự án của tỉnh. Theo chương trình hành động của Huyện ủy Sông Cầu, giai đoạn 2006 - 2010, địa phương này trồng mới 2.200 ha điều. Thế nhưng đến nay, trải qua nửa chặng đường, toàn huyện chỉ trồng được 200 ha. Theo dự báo của Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện Sông Cầu, với tốc độ như hiện nay thì đến năm 2010, phấn đấu lắm huyện này cũng chỉ trồng được khoảng 500 - 600 ha điều.
Ông Trần Văn Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật cây trồng (Sở Nông nghiệp- PTNT Phú Yên) cho rằng: Sở dĩ việc phát triển cây điều không thuận lợi có nhiều nguyên nhân, trước hết là giá điều gần đây không ổn định, có lúc chỉ còn 8.000 đồng/kg lại thiếu đầu mối thu mua do vùng điều trồng phân tán. Trong khi đó, một số cây trồng khác có lợi nhuận cao hơn nên người dân không còn mặn mà với cây điều.
Trong khi việc phát triển cây điều gặp khó khăn thì nhiều nơi người dân lại chặt bỏ cây điều đã trồng, kể cả những cây đang thời kỳ thu hoạch. Đồng Xuân là huyện sớm có chủ trương phát triển cây điều. Huyện lập kế hoạch trong 3 năm (2003- 2005) chuyển đổi 750 ha mía đồi năng suất thấp sang trồng điều, nhưng chỉ trồng được 580 ha. Còn từ năm 2006 khi có dự án đầu tư phát triển cây điều của tỉnh có rất ít hộ nông dân đăng ký trồng. Ông Trương Hoài Bắc ở xã Xuân Sơn Bắc có tham gia trồng được 2 ha nhưng đã qua 3 năm vẫn chưa ra trái, vừa qua chặt bỏ để trồng cây ngắn ngày. Xã
NGUYÊN TRƯỜNG