Thứ Năm, 03/10/2024 03:40 SA
Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó
Thứ Ba, 30/12/2008 14:30 CH

Trước tình hình kinh tế thế giới suy giảm, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là đối tượng chịu tác động rõ nhất. Tại Phú Yên, đang có nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, trong đó có không ít doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ để vượt qua thời kỳ khó khăn này.

 

ca-phe-081230.gif

Nhờ vốn vay của ngân hàng, Công ty Cà phê EaBá duy trì mua cà phê trên địa bàn huyện Sông Hinh, phục vụ chế biến xuất khẩu - Ảnh: N.T

 

DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA LÂM VÀO KHÓ KHĂN

 

Từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực (tháng 1/2000), đặc biệt với sự ra đời của Nghị quyết 14 của Hội nghị Trung ương 5 (khoá IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, mỗi năm Phú Yên có từ 150 đến 200 doanh nghiệp (DN) được thành lập. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có 1.424 DN được cấp giấy đăng ký kinh doanh với tổng vốn 5.089 tỉ đồng. Đáng chú ý doanh nghiệp được thành lập ở Phú Yên có đến 96,3% là DNNVV với quy mô vốn bình quân 2,87 tỉ đồng/DN. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của DNNVV là công nghiệp- xây dựng (51% DN), thương mại- dịch vụ (42% DN).

 

DNNVV đã thể hiện sự năng động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ngày càng khẳng định vai trò trong đời sống kinh tế địa phương. Mỗi năm các DNNVV tạo việc làm mới cho gần 1 vạn lao động với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng, đồng thời đóng góp gần 50% ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2007 tình hình giá cả biến động, lạm phát tăng cao, gần đây lại chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, những hạn chế của DNNVV càng bộc lộ. Đó là năng lực cạnh tranh hạn chế do chưa xây dựng được thương hiệu; sản phẩm, dịch vụ chưa khẳng định được uy tín trên thị trường do thiếu vốn, trình độ quản lý thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu, khả năng tiếp cận thông tin thị trường yếu trong khi đó tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn khi Chính phủ thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ nên hầu hết hoạt động của DN bị chững lại.

 

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên, chỉ có 70% DNNVV hoạt động có hiệu quả. Điều này có nghĩa 30% DN đang bị thua lỗ và thực tế đã có một số DN ngừng hoạt động hoặc vỡ nợ, phá sản. Sự hoạt động kém hiệu quả của DN đã ảnh hưởng nhất định đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Phú Yên, chưa lúc nào DN gặp nhiều rủi ro trong sản xuất kinh doanh như hiện nay. Để tự cứu mình các DN cần xem xét lại toàn bộ hoạt động, xác định các nguy cơ tiềm ẩn, từ đó có sự chuẩn bị biện pháp thích hợp để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.

 

GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

 

Theo bà Phạm Thị Mỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên, thời gian qua tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách giúp đỡ DN như giải quyết nhanh gọn thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn vay; ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư để thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt là DNNVV vào các lĩnh vực du lịch, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, đầu tư vào các KCN với các ưu đãi trực tiếp về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, đào tạo lao động... Tỉnh còn sử dụng vốn khuyến công, khuyến ngư hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị, đào tạo nghề cho nhiều DN; phối hợp với các bộ, ngành trung ương tổ chức các lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, quản trị tài chính- kế toán DN, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN; tổ chức các cuộc gặp mặt đối thoại với DN kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc... Tuy có những hỗ trợ từ phía Nhà nước, song bà Mỵ cũng thừa nhận vẫn còn có những vấn đề chưa đáp ứng được mong muốn của DN. Bà cho biết, hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai Quy chế phối hợp thực hiện một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp và chứng nhận đầu tư; giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với doanh nghiệp thành lập nhằm giảm nhũng nhiễu, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho DN.

 

Thách thức lâu nay đối với các DNNVV ở Phú Yên là chất lượng sản phẩm, dịch vụ khó cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, kinh tế thế giới suy thoái, nhiều thiết bị công nghệ chào bán với giá rẻ so với trước đây. Đây là thời cơ cho các DN đổi mới phương tiện kỹ thuật, công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Vấn đề đặt ra, làm sao để các DN có vốn để thực hiện điều đó. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Chính phủ thành lập quỹ phát triển DNNVV nhằm huy động, tiếp nhận các nguồn tài chính trong nước; tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ để thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, quỹ này còn tài trợ kinh phí cho các chương trình, dự án trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh; ủy thác cho các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án đầu tư khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bá Lộc cho rằng: Việc thành lập quỹ phát triển DNNVV trong giai đoạn này có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần trợ giúp DN vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

 

Đối với không ít DNNVV, tiếp cận được vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại là vấn đề nan giải. Mặc dù, các ngân hàng đang giảm lãi suất và đưa ra nhiều gói giải pháp hỗ trợ vốn cho DN, song việc cho vay cũng vẫn còn dè chừng, nhất là đối với DN đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo Giám đốc Chi nhánh BIDV Phú Yên Nguyễn Công, nguồn vốn tín dụng cho DN vay của chi nhánh đến nay đạt 1.200 tỉ đồng, trong đó DNNVV chỉ chiếm 45% dư nợ. Do vậy, việc các ngân hàng cùng chung sức để hỗ trợ tài chính cho DNNVV là rất quan trọng trong tình hình hiện nay. Về lâu dài, tỉnh cần có Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thì các DN sẽ có nhiều cơ may tìm kiếm được nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

 

Theo xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh, thành trong cả nước của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây, Phú Yên giảm 16 bậc, xếp thứ 39 trong số 64 tỉnh, thành phố. Đáng lưu ý trong 10 nội dung để xếp loại đó, có 3 nội dung quan trọng mà Phú Yên đạt thấp là tính minh bạch trong bộ máy Nhà nước; chi phí không chính thức cao và độ tin cậy của thiết chế pháp lý. Đây là những vấn đề cần sớm được khắc phục nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế cũng là sự hỗ trợ cần thiết cho DNNVV. Đối với DNNVV, tỉnh cần có đầu mối quản lý, tiếp nhận thông tin để từ đó có chính sách hỗ trợ thiết thực cho DN. Thành lập một “ngôi nhà chung” của cộng đồng doanh nghiệp để có tiếng nói với các cơ quan quản lý Nhà nước cũng là yêu cầu chính đáng của DNNVV Phú Yên trong tình hình hiện nay.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek