Thứ Năm, 03/10/2024 07:18 SA
Thức đêm chăm sóc lúa
Thứ Hai, 29/12/2008 10:30 SA

Gần 11 giờ đêm. Ngang qua khu ruộng rộc (ruộng trũng) từ  đội 1 đến đội 4 thuộc thôn Phước Nhuận (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân), người ta vẫn nghe tiếng gàu sòng tát nước và thấy ánh đèn pin loang loáng săm soi bờ ruộng đắp mội rịn. Năm nay mưa dai dẳng, ruộng trũng khó thoát nước. Hơn 10 ngày qua, nhiều nông dân phải thức đêm cứu lúa.

 

ruong-sa1081229.jpg

Gần một tuần nay, người phụ nữ này thức đêm chăm sóc ruộng rạ – Ảnh: HOÀI NAM

 

GÀU SÒNG TÁT NƯỚC ĐÊM THÂU

 

Từ khi gieo sạ lúa đông xuân (20/12) đến nay, trên các thửa ruộng trũng của thôn Phước Nhuận đêm nào cũng có người chăm sóc lúa. Họ be bờ tát nước, đắp mội rịn. Anh Huỳnh Hồ Hải, một nông dân ở đây, nói rằng gần một tuần nay, anh hầu như thức trắng đêm để chăm sóc ruộng sạ. Đầu hôm, anh “trực” ở ngoài ruộng từ 7 đến 10 giờ. Về nhà chợp mắt một chút, khoảng 1 giờ đêm, anh lại ra ruộng tát nước đến sáng.

 

Ông Trương Ngọc Xuân, người ở địa phương này, lắc đầu ngán ngẩm: “Tôi đi nhiều nơi, không thấy nơi nào như ở đây”. Mấy năm trước, ông Xuân bền bỉ thức đêm ở ngoài ruộng. Năm qua ông bị tai nạn giao thông nên đành ngồi bó gối trong nhà, vợ ông đảm trách công việc này. “Mấy bữa nay trời lạnh nhưng đêm nào bà nhà tôi cũng ra ruộng tát nước” - ông Xuân nói. Trên các thửa ruộng, lúa đã nhú mầm, và nông dân vẫn không ngừng tát nước. Họ phải tát đến khi lúa được 15 ngày tuổi, vãi phân đợt 1 mới thôi.

 

Nhiều người chủ quan không thức đêm tát, nước ruộng dâng lên, lúa non ngã rạp. Ông Trần Xuân Binh đang khom lưng tát nước, nói: “Gieo sạ trên ruộng rộc, trong vòng một đêm không ra tát nước, không đắp mội rịn, chỉ cần cua đục thủng bờ ruộng thì ngày mai tát ròng rã cả ngày không khô nước”. Nếu nước ngập, lúa non ngã rạp, khi sạ lại càng vất vả hơn. Lúc đó, nước từ các thửa ruộng xung quanh thẩm thấu qua ruộng nhà mình. “Có lần ruộng nhà tôi sạ lại lần thứ hai, trễ vụ. Đến mùa thu hoạch, ruộng xung quanh lúa chín thu hoạch xong, ruộng nhà còn xanh, bò ăn qua ăn lại. Sau khi trừ chi phí giống, cày bừa…, tính ra lỗ nặng” - ông Binh kể. Cũng chính vì vậy, sau khi sạ, gặp trời mưa kéo dài như năm nay, nông dân ở đây nơm nớp lo sợ lúa bị hư hại.

 

BAO GIỜ KHƠI THÔNG KÊNH THOÁT NƯỚC?

 

Theo nhiều nông dân ở Phước Nhuận, từ khi hồ chứa nước Phú Xuân đưa nước về ruộng, do lượng nước đổ về nhiều, các kênh thoát bằng đất bị quá tải. Hơn nữa, do nằm cuối kênh Phú Xuân nên các chân ruộng trũng trở thành rốn nước sau khi gieo sạ.

 

Kênh thoát nước đội 1 thuộc thôn Phước Nhuận kéo dài qua thôn Phước Lộc. Có những năm, bước vào đầu vụ sạ, nông dân có ruộng trũng được huy động đi nạo vét kênh nhưng cũng chỉ ở phạm vi thôn Phước Nhuận. Đoạn chảy qua thôn Phước Lộc, do bà con trồng rau muống nên dòng chảy bị cản.

 

Đối với mương rút Suối Sậy thoát nước cho cánh đồng từ đội 2 đến đội 4, hằng năm mức độ bồi lấp quá lớn nên nước không thể thoát kịp. Trong khi đó, kinh phí đầu tư nạo vét khơi thông dòng chảy vượt quá khả năng của HTX kinh doanh dịch vụ  Phước Nhuận. Ông Trình Văn Hiệp, Trưởng ban Kiểm soát của HTX này, nói: “Để thoát nước kịp thời ở khu vực ruộng trũng thì các kênh mương này phải được đầu tư kinh phí kiên cố hóa”. Theo một số nông dân, ở đây không có loại cây trồng nào đứng vững ngoài cây lúa, nên khó có thể nghĩ đến việc chuyển đổi cây trồng. Ông Huỳnh Xuân Lý, Phó Chủ nhiệm HTX kinh doanh dịch vụ Phước Nhuận cho biết: “Chúng tôi đã gởi nhiều tờ trình lên các cơ quan chức năng yêu cầu đầu tư các tuyến mương rút, nhưng bao năm qua vẫn chưa thấy gì”.

 

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek