Ngày nay nông dân nước ta đã biết cách “đột phá” để thành công, biết tư duy để hội nhập với thương trường. Vì vậy, tìm một thị trường ổn định để nông dân yên tâm sản xuất, bán các sản phẩm là một nhu cầu thiết yếu…
Thị trường nông sản cần ổn định để nông dân yên tâm sản xuất - Ảnh: D.T.X |
Hiện nay nước ta có khoảng 75% dân số là nông dân sinh sống, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá-hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, yêu cầu cấp thiết không chỉ là nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh tốt hơn, mà còn phải tìm cho người nông dân một thị trường ổn định để họ bán các sản phẩm.
Công việc xoá đói, giảm nghèo của nước ta trong những năm gần đây tuy đạt được những thành tựu cơ bản, nhưng thu nhập của người nông dân mới bằng 40% thu nhập chung của cả nước. Để khu vực nông thôn, nông dân tiến kịp khu vực thành thị thì còn cả một khoảng cách khá xa, bởi hiện nay số hộ đói nghèo là nông dân chiếm đến 90% tổng số hộ đói nghèo trong cả nước. Trách nhiệm giúp nông dân xoá đói, giảm nghèo là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có Hội Nông dân. Đầu tư để làm chuyển biến một cách cơ bản trong nông nghiệp, nông thôn là vấn đề cấp bách hiện nay. Trong đó, phát triển công nghiệp hoá-hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn không chỉ đơn thuần là nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, tạo ra sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh tốt hơn, mà còn phải tìm cho người nông dân một thị trường ổn định để họ bán các sản phẩm. Xác định việc phát triển sản xuất các cây trồng vật nuôi phù hợp với xu thế của thị trường trong nước và thế giới, trên cơ sở quy hoạch đó đẩy mạnh sản xuất hàng hoá theo hướng xuất khẩu. Trong những nội dung đang được các cấp Hội Nông dân quan tâm là xác định tập đoàn cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lương thực, cây dược liệu, nguyên liệu giấy sợi, cũng như các con gia súc, thuỷ, hải sản ở từng vùng, nhằm phát huy lợi thế so sánh cũng như gắn với truyền thống sản xuất của nông dân. Hội Nông dân cùng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tín chấp, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay tổng số dư tại 2 ngân hàng này là 22.000 tỷ. Riêng trong lĩnh vực chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, trong mấy năm qua đã có 12 triệu lượt hộ nông dân được tập huấn. Cả nước có tới hàng vạn mô hình điểm về cây non được xây dựng để người nông dân trao đổi, học tập kinh nghiệm; hàng vạn hộ nông dân được dạy nghề và hướng dẫn cách sản xuất mới… Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam còn vận động các hộ nông dân trong cả nước giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn, đã làm được hơn 6 vạn nhà ở, giúp hàng trăm tỷ đồng cùng hàng chục triệu cây, con giống cho các hộ nghèo.
Khác với hình ảnh chân lấm tay bùn, cam chịu lao động và sản xuất theo tập quán cũ, ngày nay nông dân nước ta đã biết cách "đột phá" để thành công, biết tư duy để hội nhập với thương trường. Chính vì vậy, tìm một thị trường ổn định để nông dân yên tâm sản xuất, bán các sản phẩm là một nhu cầu thiết yếu hiện nay. Nhưng điều cốt lõi ở đây là phải xây dựng đội ngũ cán bộ nông thôn giỏi giang, có uy tín cao, sát dân vì người dân luôn đòi hỏi những gì cụ thể, bởi vậy, cán bộ luôn phải theo sát dân.
HOÀNG LONG (VOV)