Thứ Tư, 02/10/2024 13:33 CH
Nghề cói: loay hoay tìm hướng đi
Thứ Ba, 09/05/2006 08:54 SA

Hàng chục làng nghề truyền thống ở Phú Yên đang từng bước tìm những hướng đi mới. Trong khi đó, các sản phẩm từ cói của làng nghề Phú Tân và Phú Hoà dù được hỗ trợ nhiều về vấn đề kỹ thuật, vẫn cứ lòng vòng tìm đầu ra.

 

PHÚ TÂN: CÓ KỸ THUẬT, NHƯNG...…

 

Làng nghề chiếu cói thôn Phú Tân, xã An Cư (huyện Tuy An) có khoảng 200 hộ với trên 500 lao động. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên, nhưng không phải bán trực tiếp mà thông qua nhiều đầu mối khác nhau. An Cư có 15 ha cói thâm canh nhưng vẫn không cung cấp đủ nguyên liệu cho làng nghề.

 

060509-coi-1.jpg
Thu hoạch cói
 

Năm 2002, làng nghề Phú Tân được Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đào tạo nâng cao tay nghề và hỗ trợ thiết bị vật tư sản xuất với tổng kinh phí 156 triệu đồng. Năm 2005 Sở Công nghiệp tiếp tục thực hiện dự án (DA) đào tạo mỹ nghệ từ cói cho Phú Tân, tổng kinh phí gần 60 triệu đồng. DA giúp người dân đa dạng hóa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) từ cói bằng việc mời 4 thợ giỏi của Xí nghiệp tư doanh TCMN Đổi Mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình về hướng dẫn các kỹ thuật dệt, đan, thắt cho 52 lao động. Sau hơn 3 tháng đào tạo, người lao động đã sản xuất được nhiều loại sản phẩm mỹ nghệ từ cói như đĩa, mũ, hộp đựng nữ trang, giỏ xách, thảm… Đây là nhóm sản phẩm mới của làng nghề phù hợp với thị trường xuất khẩu, được Xí nghiệp TCMN Đổi Mới nhận bao tiêu. Nhưng do số lượng lao động có nghề còn ít, sản phẩm chưa đạt được yêu cầu xuất khẩu, khối lượng sản phẩm làm ra chưa nhiều nên việc liên kết làm vệ tinh cho Xí nghiệp không thành công.

 

Ông Nguyễn Xuân Khiêm, Chủ tịch xã An Cư, lý giải: Các đơn vị nhận bao tiêu đòi hỏi số lượng sản phẩm nhiều, kỹ thuật tay nghề cao nhưng lại mua với giá thành thấp. Bà con so sánh thấy thu nhập không bằng chiếu nên nản và quay lại sản xuất chiếu, và lại lòng vòng tự tìm thị trường.

 

PHÚ HÒA: LẮM THĂNG TRẦM

 

Thôn Phú Hòa, xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) có nghề dệt chiếu cói tồn tại từ hàng trăm năm qua. Có giai đoạn làng nghề được tổ chức thành đơn vị hợp tác nhưng do yếu kém trong quản lý nên tan rã, và những người làm nghề lại hoạt động tự thân. Khó khăn về đầu ra cho sản phẩm kéo dài nên số hộ theo nghề giảm đi rõ rệt. Đó là thời điểm năm 1999.

 

Từ thành công của chương trình nâng cao tay nghề sản xuất TTCN từ cói ở xã An Cư, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục thực hiện DA “Hỗ trợ nông dân nghèo ở thôn Phú Hòa, xã Hòa Hiệp Trung khôi phục và phát triển nghề dệt chiếu cói” với sự giúp đỡ của TW Hội. DA chính thức khởi động vào tháng 3-2003 và kết thúc ngay trong năm. Tuy có quy mô nhỏ (tổng kinh phí thực hiện trên 73 triệu đồng, vốn TW 50 triệu) nhưng DA đã giúp bà con nâng cao kiến thức về nghề. DA đã hỗ trợ không hoàn lại cho 70 hộ nghèo một bộ go dệt chiếu và trang bị 150  máy chẻ cói cải tiến cho 150 hộ, 10  máy xe trân.

 

Nghề dệt chiếu từng bước được khôi phục, nhiều hộ đã trở lại với khung gỗ, với những sợi cói, sợi trân. “Nhờ sự hỗ trợ về vật tư, thiết bị đó mà năng suất tăng gấp đôi so với lúc dệt theo kỹ thuật truyền thống, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn” - anh Nguyễn Thành Trung, một nông dân tham gia DA, nói. Trong 95 hộ nông dân được chọn đào tạo nghề có đến 87 hôï nghèo. Kết thúc DA, hơn 60 hộ nông dân khác (150 lao động) trong làng có việc làm và thu nhập ổn định từ việc khai thác chế biến trân.

 

Hiện nay, cả Phú Tân và Phú Hòa có gần 400 hộ làm nghề dệt chiếu cói, trong đó lao động nữ chiếm 60%, chủ yếu thuộc hộ nghèo. Sản lượng chiếu dệt cả năm của các làng nghề trên 100.000 đôi, bình quân mỗi hộ dệt 30 đôi/tháng. Với giá bán buôn 20.000 đồng/đôi, mỗi hộ thu nhập khoảng 400.000 đồng.

 

THỊ TRƯỜNG - BÀI TOÁN VẪN CÒN NAN GIẢI

 

Phú Hòa có cánh đồng cói 19 ha được thâm canh, năng suất cói khô hiện tại đạt 12,2 tấn/ha/năm. Hàng năm, sản lượng cói đạt 230 tấn, đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho làng nghề. Nhưng bài toán khó mà các làng nghề chưa tìm được cách giải trong suốt thời gian qua, đó là thị trường.

 

Không như nông sản và các sản phẩm nguyên liệu khác, sản phẩm cói còn quá khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường. Nếu trồng 1 ha cói, sản lượng bình quân 12 tấn khô/năm, giá cói nguyên liệu hiện nay 3.000 đồng/kg, người dân sẽ thu nhập 36 triệu đồng/ha/năm; trừ chi phí đầu tư ước tính 7 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 29 triệu đồng/ha. So với giá lúa 2.000 đồng/kg thì việc trồng cói thu lợi nhuận cao hơn nhiều (lúa trong vùng này năng suất đạt không quá 8 tấn/ha/năm).

 

060509-coi-2.jpg
Chuẩn bị nguyên liệu dệt chiếu ở Hòa Hiệp Trung - Ảnh: Hiếu Vi

 

Do năng suất cói rất ổn định và chi phí đầu tư thấp nên khi nghề dệt chiếu và các sản phẩm từ cói được chú trọng và phát triển, nông dân sẽ chuyển từ trồng lúa sang trồng cói trong vùng quy hoạch. Song điều đáng nói là thị trường tiêu thụ vẫn đang bị bó hẹp tại một số tỉnh thành trong khu vực, chỉ tiêu thụ trong dân thông qua các tư thương. Khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường của người nông dân bao đời chân lấm tay bùn còn rất hạn chế. Ông Phan Ngọc Thanh, một người theo nghề, than thở: “Vì không có đầu mối tiêu thụ nên chúng tôi thường bị tư thương ép giá. Vào những thời điểm sản xuất nhiều, tư thương mua với giá 15.000 đồng/đôi chiếu, trong khi đó giá thị trường 20.000 – 30.000 đồng/đôi. Nếu phải mua nguyên liệu thì coi như thua lỗ”.

 

Một thành viên trong Ban điều hành các DA cho biết: Ở miền Trung, các làng nghề cói hiện nay tuy phát triển hơn trước nhưng chỉ làm ra sản phẩm duy nhất là chiếu. Thị trường đang tạo cơ hội rất lớn để nghề cói lấy ngắn nuôi dài và đang tương đối sôi động ở hai đầu đất nước. Các sản phẩm phế liệu cói, trân, đay… để dệt thảm, đan đát các mặt hàng mỹ nghệ, làm bao bì, xe lõi xuất khẩu lại chiếm tỷ trọng rất lớn trong nghề. Nó thực sự ý nghĩa và giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động. Ở trong Nam, nghề cói đang phục hồi sản phẩm  “ăn khách” nhất là quai lõi, thảm cói, sợi trân và các sản phẩm mỹ nghệ khác. Nhiều doanh nghiệp đã và đang cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất.

 

Hai làng nghề cói ở Phú Yên gặp khó khăn vì những hỗ trợ về kỹ thuật chỉ mang tính chất xúc tác, không thể kiêm luôn vai trò tìm kiếm thị trường cho làng nghề.

 

Vấn đề đặt ra cho các làng nghề chiếu cói là phải xóa bỏ tính thụ động, thay vào đó phải năng động sáng tạo, chủ động tìm kiếm và hòa nhập vào thị trường lớn. Muốn thế, phải thường xuyên thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

 

Muốn làng nghề có một chỗ đứng lâu dài, người lao động phải không ngừng nâng cao tay nghề. Làng nghề phải nắm bắt nhu cầu thị trường, linh hoạt trong sản xuất. Các phế phẩm từ làng nghề như cói, trân, đay… dùng dệt thảm, đan đát các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quai lõi, thảm cói… đang được thị trường phía Nam ưa chuộng. Cần có người đại diện đứng ra bàn bạc, hợp tác, tìm hướng đi cho làng nghề, khuyến khích cá nhân, tập thể có điều kiện đứng ra lập doanh nghiệp để làm chỗ dựa cho các làng nghề.

 

BÍCH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek