Đến mùa mưa bão, ngoài việc tư thương dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, các ngành chức năng cũng tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thiên tai để tăng giá bất hợp lý.
Chưa phát hiện biến động về giá, nguồn cung
Bà Lê Thị Mỹ Thương, tiểu thương hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Tuy Hòa cho biết: Rau củ quả là mặt hàng thường tăng giá vào mùa mưa vì bị hụt nguồn hàng, chất lượng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau những ngày mưa nắng thất thường vừa qua, mặt hàng này đa phần vẫn ổn định giá, nguồn hàng dồi dào và không thiếu hụt như mọi năm.
Tại chợ phường 7 (TP Tuy Hòa), hàng hóa, thực phẩm các loại vẫn được bày bán phong phú, chưa ghi nhận trường hợp giá cả biến động bất thường. Bà Lê Thị Kim Bông, một tiểu thương tại chợ này cho hay: Những ngày qua, hàng hóa, thực phẩm rất nhiều. Sạp hàng của tôi luôn đủ số lượng để phục vụ người tiêu dùng, nhiều loại giữ nguyên giá, thậm chí còn giảm.
Những năm trước, các loại rau được tiểu thương nhập của các hộ dân trong tỉnh, nếu bị hư hỏng, ngập úng do mưa thì nguồn hàng ít, giá tăng cao. Còn năm nay, nếu phát hiện những loại nào có dấu hiệu thiếu thì các cơ sở đầu mối nhập về từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk… để thay thế nên lượng hàng nhiều, giá không biến động.
Theo các tiểu thương, hiện một số loại thực phẩm tươi sống có chênh lệch nhẹ về giá như cà rốt 20.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng), su su 18.000 đồng (tăng 3.000 đồng), xà lách 25.000-30.000 đồng/kg (tăng 3.000-4.000 đồng). Các loại khác giữ hoặc giảm giá, như: đậu ve 18.000 đồng/kg, cà tím 15.000 đồng/kg, sú trắng 18.000 đồng/kg, dưa leo 10.000 đồng/kg, cam sành 12.000 đồng/kg, lê, bưởi 35.000-40.000 đồng/kg, quýt các loại 25.000-40.000 đồng/kg, rau cải ngọt, cải thìa 6.000-7.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng), mướp 10.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng).
Ngoài ra, giá các loại thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm cũng ổn định, như thịt bò loại một 230.000 đồng/kg, loại hai 170.000-180.000 đồng/kg, thịt heo ba chỉ 140.000-150.000 đồng/kg, gà ta 90.000 đồng/kg, trứng vịt 35.000 đồng/chục, tôm các loại dao động từ 140.000-250.000 đồng/kg, cá hố 160.000 đồng/kg, cá ngừ 90.000 đồng/kg…
Các loại hàng hóa, thực phẩm thiết yếu khác như gạo, gia vị, dầu ăn… cũng chưa có dấu hiệu biến động về giá. Phần lớn mặt hàng được tư thương dự trữ nên bảo đảm số lượng để cung cấp cho người dân. Đặc biệt với tình hình giao thương thuận tiện như hiện nay, các tư thương có thể đặt, nhập hàng về cơ sở thường xuyên, do đó không quá lo lắng về vấn đề thiếu hụt nguồn hàng.
Tăng cường kiểm soát thị trường
Theo Sở Công Thương, những tháng vừa qua, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định, lưu thông thông suốt. Nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, tiểu thương các chợ chủ động được nguồn hàng để phục vụ người dân, tăng cường khuyến mãi, bán hàng với giá cả hợp lý; thúc đẩy thị trường hàng hóa trong tỉnh phong phú, sôi động, không có hiện tượng khan hiếm gây sốt giá trên địa bàn. Nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân cũng tăng mạnh.
Ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin: Qua khảo sát của đơn vị mới đây, hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tươi sống được bán tại các chợ, điểm bán đều dồi dào, có thể đảm bảo cung cấp cho người dân, kể cả khi xảy ra mưa bão. Sở Công Thương cũng đã tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp, người dân nâng cao ý thức về đảm bảo an toàn thực phẩm, bán đúng giá niêm yết, không tự ý tăng giá bán gây xáo động thị trường.
Sở cũng tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, địa phương theo dõi, nắm bắt, kiểm soát thị trường, giá cả để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời đối với các tình huống gia tăng nhu cầu tiêu dùng, hay biến động nguồn hàng và công khai các trường hợp doanh nghiệp, cơ sở, tiểu thương vi phạm về kinh doanh như: có hành vi lợi dụng thiên tai để găm hàng, tăng giá bất thường, thu lợi bất chính, trà trộn bán hàng giả, nhái… gây tác động tiêu cực đến thị trường, sức khỏe người dân.
Liên quan đến kiểm soát hàng hóa, từ giữa tháng 9, Cục Quản lý thị trường Phú Yên đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc, phụ trách các địa phương triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường mùa mưa bão. Việc kiểm tra tập trung vào địa bàn trọng yếu và những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ nhiều; đồng thời thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh các doanh nghiệp, tiểu thương thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa, tránh gian lận thương mại, bán hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng... Lực lượng quản lý thị trường cũng phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không đúng quy định.
Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, địa phương để theo dõi, nắm bắt, kiểm soát thị trường, giá cả để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời đối với các tình huống gia tăng nhu cầu tiêu dùng, hay biến động nguồn hàng và công khai các trường hợp doanh nghiệp, cơ sở, tiểu thương vi phạm về kinh doanh như: có hành vi lợi dụng thiên tai để găm hàng, tăng giá bất thường, thu lợi bất chính, trà trộn bán hàng giả, nhái… gây tác động tiêu cực đến thị trường, sức khỏe người dân.
Ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc Sở Công Thương |
KHANG ANH