Xây dựng thôn thông minh hướng tới mục tiêu xã thông minh được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện mô hình này.
Việc xây dựng thôn nông thôn mới (NTM) thông minh đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp người dân nông thôn tiếp cận gần hơn các ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhiều tiện ích thiết thực
Vinh Ba là thôn đầu tiên của xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) được lựa chọn xây dựng mô hình điểm Thôn thông minh và cũng là thôn đầu tiên của tỉnh được công nhận NTM thông minh. Theo ông Lê Văn Hòa, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Vinh Ba, trước đây việc sử dụng Zalo, điện thoại thông minh rất hạn chế. Mỗi lần thông báo về các sự kiện, hội họp, cán bộ thôn phải sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời. Giờ đây, với ứng dụng Zalo, người dân trong thôn đã nhận được thông tin một cách nhanh chóng mọi lúc, mọi nơi.
“Việc xây dựng mô hình Thôn thông minh đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống hằng ngày của người dân. Hiện thôn có 100% hộ dân có hạ tầng internet và thông tin di động 3G/4G; 86,65% người dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu; 77,72% người dân có tài khoản thanh toán điện tử. An ninh chính trị, TTATXH được giữ vững và tăng cường. Trên địa bàn thôn lắp đặt 7 hệ thống camera giám sát an ninh tại các tuyến đường”, ông Hòa phấn khởi nói.
Tương tự, thời gian qua, người dân thôn Hạnh Lâm, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) đã quen với việc tiếp nhận thông tin từ thôn, xã; thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ thiết yếu thông qua điện thoại thông minh. Từ khi địa phương triển khai mô hình Thôn thông minh, trên các con đường dẫn vào thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, cây cối xanh mát, trong lành; hệ thống điện chiếu sáng, camera an ninh được lắp đặt; có điểm wifi công cộng, hạ tầng viễn thông đầu tư bài bản…
Bà Nguyễn Thị Thanh, một hộ dân ở thôn Hạnh Lâm cho hay: Ngày trước tôi đến trụ sở thôn nộp tiền điện, nay đến tháng thì tiền điện được tự động trừ trong tài khoản. Hằng ngày, chúng tôi trò chuyện qua Zalo với các con đang lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh để hỏi thăm sức khỏe, đỡ nhớ con nhớ cháu.
Tiếp tục lan tỏa mô hình
Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, sau gần 2 năm triển khai mô hình Thôn thông minh, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình; qua đó giúp người dân tiếp cận các nền tảng số, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn và thành thị.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) Đinh Thị Kim Tuyền, Đảng ủy đã ra nghị quyết về lãnh đạo xây dựng xã NTM kiểu mẫu về mô hình chuyển đổi số trước năm 2025. Căn cứ nghị quyết, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã quyết liệt rà soát các nội dung tiêu chí chưa hoàn thành để đưa ra lộ trình, thời gian cụ thể triển khai dựa trên điều kiện thực tế và chọn thôn Mỹ Thạnh Trung 1 để xây dựng mô hình Thôn thông minh.
“Những biện pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động việc làm, cơ cấu ngành nghề đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân, tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo. Đến nay, thôn Mỹ Thạnh Trung 1 đã được UBND huyện công nhận đạt chuẩn thôn thông minh. Hiện địa phương đang tập trung nhiều giải pháp, dồn lực hoàn thiện các tiêu chí để sớm về đích xã NTM kiểu mẫu”, bà Tuyền khẳng định.
Xây dựng mô hình Thôn thông minh cũng là một trong những mục tiêu trong quá trình chuyển đổi số toàn diện của huyện Phú Hòa. Để nâng cao nhận thức của mỗi người dân về chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, UBND huyện đang phối hợp với các địa phương thực hiện phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền về dịch vụ công, đăng ký tài khoản và sử dụng các giao dịch trực tuyến qua điện thoại thông minh.
Bà Huỳnh Thị Son, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Phú Hòa cho hay: Những năm gần đây, chất lượng cuộc sống của người dân trong huyện ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, bà con đã tiếp cận rất nhanh công nghệ số. Bởi vậy, khi huyện, xã giao nhiệm vụ xây dựng mô hình Thôn thông minh, nhiều thôn đã tổ chức họp dân, tuyên truyền cho bà con hiểu về mục đích, ý nghĩa của mô hình. Nhận thấy lợi ích và hiệu quả mang lại, nhiều người dân đồng thuận trong thực hiện các tiêu chí.
Đến nay, toàn tỉnh có 4 thôn được công nhận thôn thông minh. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong quá trình triển khai mô hình này. Với vai trò là cơ quan thường trực, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc xây dựng mô hình; quan tâm đào tạo, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, nhất là các địa phương phấn đấu về đích xã NTM kiểu mẫu.
Ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh |
NGỌC HÂN