Thứ Ba, 15/10/2024 22:26 CH
Tiếp tục nhân rộng các mô hình tổ công nghệ số cộng đồng
Thứ Tư, 02/10/2024 09:56 SA

Các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp với đoàn thanh niên, lực lượng Công an xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng số. Ảnh: THỦY TIÊN

Thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng ở cơ sở đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực chuyển tải, thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Báo Phú Yên trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Trần Bách, chuyên viên Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) về vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay của đất nước.

 

Ông Bách cho hay: Với chức năng quản lý nhà nước và là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng TT&TT và lãnh đạo các cấp về chuyển đổi số (CĐS) trong phạm vi cả nước, Cục CĐS quốc gia đã tổng hợp báo cáo, đánh giá từ các địa phương gửi lên, cũng như trực tiếp khảo sát, tham dự hoạt động CĐS ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Từ đó, Cục CĐS quốc gia nhận thấy các tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ) trong toàn quốc đã thực sự phát huy tinh thần trách nhiệm đúng với vai trò là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo CĐS cấp tỉnh, huyện, xã. Các TCNSCĐ được thành lập ở nhiều địa phương, len lỏi đến từng hộ gia đình, cố gắng hướng dẫn người dân tiếp cận với các ứng dụng số, hoàn thành mục tiêu mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên biết sử dụng 5 kỹ năng số cơ bản gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ mình trên không gian mạng và sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

 

Sau 2 năm (từ năm 2022 đến nay) triển khai, phổ biến, nhân rộng trên toàn quốc, mô hình TCNSCĐ ngày càng phát huy vai trò, đóng góp tích cực cho hoạt động CĐS, góp phần hoàn thành các nội dung trọng tâm trong công tác CĐS mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Bước sang năm thứ 5 của công cuộc CĐS với tiền đề phát huy 4 trụ cột kinh tế số (công nghiệp, công nghệ thông tin; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số), rất mong các TCNSCĐ trong toàn quốc tiếp tục đóng góp sâu hơn, rộng hơn, toàn diện hơn, góp phần hoàn thành các mục tiêu CĐS của đất nước trong giai đoạn mới.

 

Ông Nguyễn Ngọc Trần Bách

* Qua thời gian theo dõi và khảo sát thực tế tại Phú Yên, ông nhận xét như thế nào về hoạt động của các TCNSCĐ ở địa phương?

 

- Cùng với công tác theo dõi thông qua các báo cáo định kỳ cũng như đột xuất, Cục CĐS quốc gia đã trực tiếp khảo sát thực tế tại một số địa phương của tỉnh. Qua đó, chúng tôi nhận thấy các địa phương vẫn đang gặp những khó khăn nhất định về nguồn lực, kinh phí, trang thiết bị cơ sở vật chất hay trình độ CNTT của cư dân và chính các thành viên trong TCNSCĐ. Mặc dù vậy, các TCNSCĐ của địa phương đã phát huy rất tốt tinh thần trách nhiệm, vận dụng kiến thức, khả năng của mỗi thành viên để giúp cộng đồng dân cư hiểu biết về CĐS, tiếp cận ứng dụng số, từ đó tận dụng các ưu thế của công nghệ số trong việc phát triển sản xuất kinh doanh của gia đình, đóng góp vào phát triển KT-XH và AN-QP của địa phương. Tuy nhiên, nhiều thôn, buôn hiện vẫn chưa thành lập TCNSCĐ. Điều này sẽ khiến công tác tuyên truyền, chuyển tải các hoạt động về CĐS ở cơ sở gặp khó khăn. Tốc độ CĐS ở những vùng này cũng sẽ chậm hơn. Đây là vấn đề các địa phương cần lưu tâm trong thời gian tới.

 

* Theo ông, Phú Yên nên làm thế nào để các TCNSCĐ có thể hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho hoạt động CĐS của tỉnh?

 

- Thời gian qua, các TCNSCĐ đã thể hiện rất tốt vai trò của mình trong quá trình CĐS tại mỗi địa phương. Chính vì vậy, các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Phú Yên cần tiếp tục quan tâm, nhân rộng nhiều mô hình TCNSCĐ hơn nữa, làm sao mỗi thôn, buôn, khu phố có ít nhất một TCNSCĐ. Điều này sẽ giúp cho “cánh tay” của ban chỉ đạo CĐS các cấp được vươn dài đến tất cả các thôn, buôn, khu phố, tiếp cận được tất cả hộ gia đình để phổ cập công nghệ, kỹ năng số tới từng người dân, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản nhất.

 

Hiện nay, tại Phú Yên, thành viên của các TCNSCĐ cơ sở đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện, sẻ chia, phát huy trách nhiệm bản thân với cộng đồng, bởi tất cả đều đang hoạt động không lương, không phụ cấp, chủ yếu là kiêm thêm nhiệm vụ. Đồng thời, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng rất khó khăn, công tác tập huấn kiến thức cho lực lượng này còn hạn chế… Để phát huy tốt vai trò của các TCNSCĐ, các địa phương cần phải khắc phục những tồn tại hiện hữu. Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Phú Yên, UBND các huyện, thị, thành phố của tỉnh xem xét, tham mưu với lãnh đạo các cấp để có những chế độ, chính sách đãi ngộ, ủng hộ về mặt tinh thần và vật chất, điều kiện làm việc cho các TCNSCĐ cơ sở. Địa phương cũng cần tận dụng, phát huy nguồn nhân lực trẻ, những người có kiến thức, kỹ năng và khả năng thích ứng với công nghệ số tốt nhất tại cơ sở để nâng cao năng lực cho các TCNSCĐ, phát huy tốt nhất vai trò hướng dẫn, chuyển tải kỹ năng số đến cộng đồng dân cư.

 

* Xin cảm ơn ông!

  

THỦY TIÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek