Các ngành chức năng, địa phương đang thực hiện đồng bộ hoạt động kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nhằm phòng ngừa, giảm thiểu sự cố về an toàn thực phẩm.
Chú trọng kiểm tra, giám sát, tuyên truyền
Thời gian qua, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh, các sở, ban ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh luôn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, nhất là Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đặc biệt, các đơn vị còn đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm sau công bố và tự công bố; từ đó nâng cao ý thức cho các chủ cơ sở về sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm.
Tháng 9 vừa qua, Sở Công Thương đã thành lập, chủ trì đoàn kiểm tra ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương. Nội dung kiểm tra tập trung vào điều kiện sản xuất, kinh doanh, hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm/tự công bố sản phẩm; nhãn sản phẩm hàng hóa; đảm bảo các chỉ tiêu ATTP theo quy định... Theo đại diện đơn vị này, ngoài các nội dung trên, đoàn kiểm tra của sở còn lấy mẫu, làm việc với đơn vị kiểm nghiệm để phân tích, đánh giá chất lượng cũng như các tiêu chí thực phẩm theo quy định...
Cùng với đoàn kiểm tra của Sở Công Thương, từ ngày 4-18/9, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP do Sở Y tế chủ trì cũng triển khai tại 7 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 6 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 16 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ sở đã nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc bảo đảm ATTP, chấp hành tốt các quy định về ATTP trong kinh doanh thực phẩm như: có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; người kinh doanh thực phẩm có giấy tự xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP, có giấy khám sức khỏe định kỳ; hạn sử dụng và nguồn gốc thực phẩm rõ ràng; khu vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, bảo quản thực phẩm theo quy định…
Thận trọng bảo quản thực phẩm vào mùa mưa
Theo ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban ngành, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể, đặc biệt có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương nên công tác bảo đảm ATTP nói chung và ATTP trên lĩnh vực của ngành Công Thương quản lý nói riêng từng bước được triển khai có hiệu quả. Hoạt động kiểm tra cũng được triển khai thực hiện có trọng tâm, tập trung vào những sản phẩm có nguy cơ cao về mất ATTP.
Trong những tháng tiếp theo, nhất là trong mùa mưa bão, vấn đề ATTP đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cần tiếp tục được các tổ chức, cá nhân, người dân chú trọng, quan tâm vì đây là thời điểm các sự cố, nguy cơ mất ATTP có thể xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Bà Trần Thị Thanh Yên, chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm Thanh Yên (TX Sông Cầu) cho biết: Để chế biến thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày cho người dân địa phương và khách đi đường, chúng tôi coi việc đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng, mua sắm nguyên liệu… là những khâu hết sức quan trọng. Đặc biệt vào mùa mưa, thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, do đó chúng tôi càng phải thận trọng trong quá trình lựa chọn nguyên liệu cũng như sơ chế, chế biến, bảo quản thức ăn.
Không chỉ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và ngay cả tại các gia đình, việc đảm bảo ATTP cũng cần được lưu tâm. Mới đây, Cục ATTP (Bộ Y tế) cảnh báo, trong mùa mưa bão, những thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi làm cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật. Lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Cục ATTP khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa mưa bão như: Dự trữ và bảo quản lương thực, thực phẩm an toàn, cảnh giác với các nguy cơ gây ô nhiễm; rửa tay sạch bằng xà phòng và nước (hoặc chất tẩy pha loãng) sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống và trước khi ăn. Người dân lưu ý không chế biến thực phẩm trực tiếp trong môi trường nước bị ngập lụt; bảo vệ khu vực bếp và thực phẩm tránh các loại côn trùng, sâu bọ và các động vật khác; không sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp bị ngâm trong nước, hoen gỉ, ngấm nước, bùn... Bên cạnh vấn đề đảm bảo ATTP, người dân cũng phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng, nguồn nước sử dụng trong sơ chế, chế biến thực phẩm…
Theo Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, cùng với sự quan tâm, chú trọng vệ sinh ATTP của người dân, các ngành chức năng, địa phương cũng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra, chú trọng kiểm tra đột xuất, giám sát chất lượng thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn nhằm ngăn chặn, giảm thiểu các sự cố về ATTP. |
VÕ PHÊ