Thứ Sáu, 04/10/2024 16:25 CH
Đất mới của cây cao su
Thứ Bảy, 06/12/2008 14:34 CH

Cây cao su có mặt trên vùng đất Phú Yên chưa được 10 năm, đang có lợi thế phát triển thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, mở ra cơ hội vươn lên cho nhiều hộ dân miền núi trong tỉnh. Tuy nhiên để trồng mới mỗi năm hơn 1.000 ha, giải pháp về vốn, đất đai đang là những vấn đề cần có câu trả lời.

 

cao-su-081206.jpg

Khai thác mủ cao su ở Sơn Định (Sơn Hòa) - Ảnh:  N.T

 

CÂY CAO SU KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ

 

Dự án đa dạng hóa nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư thực hiện từ năm 2001- 2006, đã giúp cho người dân các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa trồng được 1.860 ha cao su tiểu điền. Từ giữa năm nay, với sự hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, những hộ dân trồng cao su tiểu điền ở Sông Hinh bắt đầu khai thác mủ cao su. Theo ước tính của nhiều hộ dân, năng suất mủ cao su đạt bình quân hơn 0,8 tấn/ha, nhưng vào năm sau có khả năng đạt 1,2 tấn/ha. Mặc dù, diện tích trồng cao su trong thời kỳ này còn theo kiểu “phong trào”, người dân chưa thật sự đầu tư chăm bón đúng mức, tỉ lệ cây sống không cao nên năng suất mủ năm đầu chưa đến 1 tấn/ha, nhưng điều đó cũng đã khẳng định điều kiện thổ nhưỡng vùng đất bazan miền tây Phú Yên phù hợp với cây trồng mới này.

 

Xác định cao su là một trong những cây trồng có lợi thế cạnh trạnh khi Việt Nam gia nhập WTO, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo phát triển diện tích cây cao su đạt 1 triệu ha vào năm 2015, tăng gần gấp đôi so với hiện nay. Thực hiện mục tiêu này, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam có kế hoạch mở rộng diện tích cao su trong nhiều vùng của cả nước, kể cả các tỉnh miền núi phía Bắc. Riêng khu vực duyên hải miền Trung có khả năng trồng từ 40.000- 50.000 ha, trong đó Phú Yên là một trong những tỉnh có tiềm năng đất đai dồi dào, phù hợp với cây cao su để phát triển với quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến tại chỗ. Năm 2006, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam đã đặt vấn đề phát triển cây cao su tại Phú Yên và Công ty cổ phần VRG Phú Yên, một thành viên của Tập đoàn được thành lập làm nhiệm vụ đó. Trong năm 2007, Công ty này được UBND tỉnh cho phép trồng thực nghiệm tập trung tại huyện Đồng Xuân trên diện tích 47,1 ha xã Xuân Quang 1. Tuy nhiên để có cơ sở phát triển cây cao su trên quy mô lớn, VRG Phú Yên đã tự bỏ vốn lập dự án quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Phú Yên và được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, quy hoạch vùng trồng cao su của Phú Yên có diện tích 12.997,3 ha trên địa bàn 17 xã miền núi thuộc 5 huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân và Phú Hòa. Trên vùng quy hoạch đó, ngoài 1.859,4 ha cao su hiện có, diện tích được dành trồng mới cao su là 9.578,4 ha và 677 ha xây dựng kết cấu hạ tầng, với tổng vốn đầu tư gần 822,7 tỉ đồng. Thực hiện quy hoạch này, Phú Yên phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 9.000 ha cao su đứng cho sản phẩm khai thác, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tại chỗ. Qua đó, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động tham gia sản xuất cây giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác mủ cao su và 300 lao động dịch vụ chế biến mủ cao su.

 

cao-su2-081206.jpg

Khai thác mủ cao su ở Sông Hinh - Ảnh:  L.K

 

KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU NHƯ THẾ NÀO?

 

Tham gia dự án phát triển cây cao su tại Phú Yên, bên cạnh Công ty cổ phần VRG Phú Yên giữ vai trò chủ lực, còn có nhiều đơn vị khác tham gia. Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam đã được UBND tỉnh cho phép lập dự án trồng thực nghiệm 480 ha cao su và xây dựng một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 4.000 tấn/năm tại xã Ea Bá. Trong khi đó, Công ty Cà phê Ea Bá vừa hoàn thành kế hoạch trồng 300 ha cao su đông đặc trong 2 năm 2007- 2008 với đầu tư 24,4 tỉ đồng tại xã Ea Bar. Ngoài ra, còn có Công ty cổ phần Vina Cà phê Sơn Thành cũng đang lập dự án trồng 500 ha cao su tại xã Sơn Thành Tây. Diện tích phát triển cao su lớn nhất được giao cho Công ty cổ phần VRG Phú Yên với 4.536,8 ha trồng tập trung (đại điền). Công ty sẽ huy động 500 tỉ đồng để phát triển cao su, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư 85% vốn, phần còn lại là vốn góp của cổ đông công ty. Nguồn vốn này, bên cạnh dùng để trồng cao su với suất đầu tư 74,3 triệu đồng/ha, công ty còn xây dựng các công trình hạ tầng như 28,7 km đường nội vùng, hệ thống nhà trạm, vườn ươm cây giống, 2 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 9.500 tấn/năm và một số công trình cấp nước sạch, trường học, lưới điện... phục vụ nhân dân trong vùng quy hoạch phát triển cây cao su. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc công ty cho biết: Hiện tại công ty đang lập dự án thành phần phát triển cây cao su đại điền tại 4 khu vực Sơn Định (Sơn Hòa), Ea Ly, Ea Lâm (Sông Hinh), Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây (Tây Hòa), Phú Mỡ, Đa Lộc, Xuân Quang 1 (Đồng Xuân). Trong năm thứ 2 trồng cao su, công ty đang triển khai trồng 83 ha tại xã Sơn Định (Sơn Hòa) và triển khai lập vườn ươm cây giống tại khu vực trên để triển khai trồng đại trà trong năm tới với mục tiêu đến năm 2010 cơ bản phủ kín diện tích đã quy hoạch cho công ty. Ngoài ra công ty còn hợp tác với nông dân để phát triển cao su tiểu điền, kể cả cải tạo diện tích đã trồng nhưng kém chất lượng, thông qua việc đầu tư cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác và thu mua sản phẩm.

 

Theo quy hoạch vùng trồng cao su giai đoạn 2008- 2015 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, diện tích trồng mới là 9.578,4 ha gồm 5.573,4 ha cao su đại điền (tập trung) và 4.005,2 ha cao su tiểu điền. Điều đáng lưu ý, trong vùng quy hoạch đó, khoảng 6.300 ha đã được giao cho dân theo Nghị định 163/NĐ-CP hoặc đất nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số đang quản lý và 1.562 ha đất lâm nghiệp, đất có rừng thuộc quyền quản lý của các Ban quản lý rừng phòng hộ. Do vậy, thuyết phục được những chủ sở hữu quản lý đất đai chấp nhận trồng cây cao su theo quy hoạch sẽ còn có những khó khăn, phức tạp nhất định. Theo tính toán của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, mỗi ha cao su tiểu điền từ khi trồng đến khi khai thác mất 7 năm, cần 50,7 triệu đồng. Đây là nguồn vốn không nhỏ để bà con dân tộc thiểu số lâu nay quen trồng cây ngắn ngày có thể theo đuổi cây cao su. Nếu không có giải pháp về vốn thì mục tiêu trồng cao su tiểu điền khó có khả năng thành hiện thực.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek