Đề án làng du lịch cộng đồng thôn Long Thủy tại xã An Phú (TP Tuy Hòa) khởi động từ tháng 12/2023, đến nay đã đi được 2/3 quãng đường. Tuy nhiên, nơi đây vẫn bộn bề nhiều việc phải làm. Một trong số đó là sắp xếp lại sản xuất, chỉnh trang không gian cảnh quan...
Bản sắc riêng là động lực thu hút
Du lịch cộng đồng là mô hình rất quen thuộc và nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh thực hiện thành công. Mô hình du lịch cộng đồng thôn Long Thủy tập trung vào những giá trị riêng mang tính bản sắc của một làng chài ven đô. Đó là làm sống dậy nghệ thuật hát lăng, hò bả trạo, phát triển lễ hội cầu ngư truyền thống lăng ông Nam Hải, nâng cao sản xuất truyền thống gắn với nghề làm nước mắm, đi biển, làm mắm ruốc, khô cá…
Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Tích, đội hát lăng, hò bả trạo ở thôn Long Thủy đã được khôi phục với sự tham gia của 30 học sinh và người dân trong thôn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển nghệ thuật truyền thống ở làng chài Long Thủy nói riêng, ở các tỉnh ven biển miền Trung nói chung. Sinh hoạt hát lăng, hò bả trạo không chỉ là hình thức giải trí dân gian đơn thuần, mà nó là hoạt động mang tính tâm thức, tâm linh tín ngưỡng của người miền biển.
Làng biển không thể thiếu các sản phẩm từ biển, mà một trong số đó là nước mắm. Nét đặc trưng của mắm Long Thủy là màu cánh gián, vị đằm nhẹ, thơm dịu. Bà Trần Thị Tú Hà, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết: Thôn có 67 hộ làm nước mắm. Năm 2023, làng nghề sản xuất nước mắm Long Thủy được công nhận là làng nghề truyền thống. Từ đây, trong làng từ 1 sản phẩm có thương hiệu đã có thêm 4 sản phẩm nước mắm khác đạt chứng nhận OCOP gắn với thương hiệu nước mắm nổi tiếng của tỉnh là Ngân Mỹ Á, Hai Phước, Hồng Gia Phúc.
Hiện địa phương chọn được 5 hộ sản xuất nước mắm có quy mô lớn tham gia vào hoạt động trải nghiệm làm nước mắm phục vụ du khách khi đến với Long Thủy. Các hộ này sẽ được hỗ trợ kinh phí từ đề án để hoàn thiện quy trình sản xuất, củng cố hạ tầng cơ sở phù hợp với hoạt động đón khách du lịch.
Sớm hình thành không gian du lịch
Chủ hộ sản xuất nước mắm Hai Phước Trương Bá Hưng chia sẻ: Hiện cơ sở sản xuất của gia đình tôi còn nhỏ, trang thiết bị cũng thô sơ. Để hoàn thiện hơn, tôi đang học hỏi kinh nghiệm một số làng mắm có làm du lịch cộng đồng. Tôi cũng đang cố gắng tìm thêm nguồn đầu tư để thay các bể ủ mắm xi măng bằng thùng gỗ hoặc gốm để vừa đảm bảo mỹ quan vừa giúp mắm ngon hơn, thơm hơn. Có như vậy, khi du khách tới trải nghiệm mới thích thú và an tâm về chất lượng sản phẩm.
Anh Nguyễn Anh Quyền, một khách du lịch đến từ Thanh Hóa chia sẻ: Biển Long Thủy đẹp, trong xanh, hoang sơ và sạch sẽ. Về làng mắm, ngay từ cổng vào đã thơm đậm vị rất cuốn hút. Tuy nhiên, tôi hơi tiếc bởi đường đi còn nhỏ hẹp và chưa có đường chỉ dẫn. Nếu những hàng rào lưới thép được thay thế bằng đá hoặc san hô thì còn đẹp hơn. Nhiều hộ làm mắm ở đây vẫn còn ủ bằng thùng nhựa, bể bê tông nên còn thiếu mỹ quan. Nhiều hoạt động giải trí trải nghiệm biển như đi thuyền thúng, thuyền máy hay lặn biển cũng chưa có…
Địa phương mong sớm đưa hạ tầng cơ sở vào sử dụng để mô hình sớm vận hành, góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân. Ông Nguyễn Minh Giác, Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết: Về hạ tầng cơ sở, hiện còn một số hạng mục vẫn chưa được triển khai như cải tạo, sửa chữa, tu bổ di tích Lăng Ông; xây dựng cầu tàu; điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại điểm dừng chân… Hạ tầng hoàn thiện sẽ giúp địa phương hình thành được không gian du lịch.
Làm việc với UBND xã An Phú, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa Huỳnh Lữ Tân nhấn mạnh: Ngoài các hạng mục hạ tầng cơ sở của đề án sớm được triển khai, HĐND thành phố vừa thông qua việc mở rộng đường 30m từ quốc lộ 1 đi Long Thủy (phía Nam khu du lịch Sao Việt). Từ đây, không chỉ hình thành điểm du lịch Long Thủy trong hệ thống bản đồ du lịch toàn thành phố mà còn từng bước hoàn thiện, nâng cấp xã An Phú trở thành phường trong lộ trình nâng tầm đô thị Tuy Hòa.
Đối với mô hình du lịch cộng đồng thôn Long Thủy, địa phương cần nhận thức rằng người dân Long Thủy chính là nhân tố quyết định thành công. Bà con cần sắp xếp lại sản xuất theo hướng hiện đại, xóa bỏ tư duy manh mún, nhỏ lẻ mà phải liên kết với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và thị trường tiêu thụ để đẩy sản phẩm làng nghề đi xa hơn. Ngoài sản phẩm nước mắm, bà con cần mở rộng các sản phẩm khác như cá khô, mắm ruốc…
Địa phương cần quy hoạch lại để hình thành bản đồ du lịch trong làng với điểm nhấn là các homestay, khu trưng bày, điểm trải nghiệm làng nghề…
MINH DUYÊN