Hơn 3 năm xây dựng thương hiệu độc quyền, HTX có cơ hội hòa nhập thị trường, mở rộng hoạt động kinh doanh. Quá trình này cũng giúp HTX tích lũy được nhiều bài học về quản trị nông sản địa phương. Các HTX mong muốn được chính quyền đồng hành để nâng tầm sản phẩm, nâng cao giá trị trên thị trường.
Bài học nhỏ hữu ích
“Tôi mua một cái khăn thổ cẩm Xí Thoại giá 700.000 đồng làm quà. Thấy tặng cái khăn gói trong túi bóng không được trang trọng nên tôi tìm mua một hộp tre và khắc chữ - Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Xí Thoại, tỉnh Phú Yên. Trong hộp tre ấy, tôi để thêm tờ rơi song ngữ Việt - Anh giới thiệu về làng nghề và sản phẩm truyền thống địa phương. Tôi nhờ bạn định giá thử sản phẩm này khi mua tại Hà Nội. Bạn tôi bảo rẻ nhất cũng 2 triệu đồng”. Đó là câu chuyện của ông Đặng Kim Ba, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT chia sẻ tại hội nghị Ban Chấp hành Liên minh HTX tỉnh vừa qua.
Ông Đặng Kim Ba khẳng định thêm: Sản phẩm từ 700.000 đồng lên tới 2 triệu đồng khi được bổ sung thêm một vài chi tiết. Chính những chi tiết này thể hiện sự chuyên nghiệp, tính thương mại trong sản xuất kinh doanh. Trên thị trường, một sản phẩm có giá trị thì tính thương mại quyết định trên 70% khả năng thành công. Mà điều này, các tổ hợp tác, HTX và thậm chí nhiều doanh nghiệp ở tỉnh ta còn thiếu.
Còn so sánh về tính thương mại trong sản phẩm giữa các đơn vị kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX với các doanh nghiệp thì thấy còn khoảng cách khá xa. Cụ thể, với doanh nghiệp, để một sản phẩm trước khi xuất hiện trên thị trường họ phải hoàn thiện từ mẫu mã, bao bì, đăng ký độc quyền đến đáp ứng các tiêu chí về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...
Nhưng các HTX thì ngược lại đưa sản phẩm ra thị trường trước rồi khách hàng hay cơ quan quản lý đòi hỏi cái gì sẽ bổ sung cái đó. Chính điều này khiến sản phẩm của HTX chậm hòa nhập thị trường và bị hạn chế khả năng cạnh tranh.
Cây đậu phộng với bà con xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) là cây chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả. Nhiều năm trước, giống như nhiều nông sản khác, đậu phộng cũng gặp cảnh được mùa mất giá và tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái. Tình trạng này hạn chế hẳn khi HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước chế biến thành dầu đậu phộng và xây dựng thương hiệu độc quyền cho nông sản địa phương.
Theo ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX này, tiêu thụ chính ngạch là con đường hiệu quả để nông sản của người dân không còn thua thiệt trên thị trường. Quá trình đầu tư tuy có gian nan với nhiều công đoạn như sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu nhưng bù lại khả năng tiêu thụ tăng với giá thành cao. Hiểu được tầm quan trọng của tiêu thụ chính ngạch nên khi sản phẩm dầu đậu phộng vừa hết hạn chứng nhận OCOP là HTX ngay lập tức hoàn tất thủ tục để được công nhận lại. Đầu năm 2024, sản phẩm này của HTX tiếp tục đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Cần sự đồng hành của địa phương
Huyện Tây Hòa là địa phương có nhiều HTX xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo, như HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Bình 1, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây... Hiện các HTX này đang gặp khó ở khâu chế biến, cụ thể là xay xát gạo. Trong khi đó, một HTX không đủ vốn để tự đầu tư máy xay xát riêng, vì vậy HTX mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong, chia sẻ: Cây lúa vẫn là căn cơ với bà con trong xã Hòa Phong nói riêng và huyện Tây Hòa nói chung. Để nâng cao hiệu quả chế biến, HTX mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí xây dựng từ 1-2 nhà máy xay xát gạo trên địa bàn.
Với hầu hết các HTX đang có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, cái khó hiện nay là xây dựng mã vùng trồng để tích hợp vào sản phẩm, tạo thêm uy tín cho khách hàng khi thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản. Theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành Phạm Đức Hậu, mã vùng trồng không đơn giản chỉ là diện tích trồng một loại nông sản mà còn liên quan đến quy hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng ở địa phương. Vì vậy, HTX cần có sự hướng dẫn, đồng hành của chính quyền địa phương.
Trên một sản phẩm, chỉ tính riêng bao bì ngoài hình thức, màu sắc, thiết kế đẹp còn phải tích hợp mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc… Các HTX mới tham gia thị trường theo chuẩn OCOP khoảng 3 năm nay nên không tránh khỏi thiếu sót. Điều đáng ghi nhận là các HTX luôn nỗ lực hoàn thiện mình và hiểu được giá trị của sản xuất chính ngạch với việc nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo đầu ra cho bà con thành viên.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
MINH DUYÊN