Xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng và sản lượng tôm hùm nuôi. Người dân trên địa bàn xã ngày nào cũng xuất bán trên 1 tấn tôm hùm.
Qua núi nuôi tôm
Xuân Thịnh là xã bãi ngang ven biển, có 4 thôn: Phú Dương, Vịnh Hòa, Hòa Hiệp và Từ Nham. Trong đó, Từ Nham là thôn cách xa trung tâm xã nhất và cách xa quốc lộ 1 so với 3 thôn còn lại. Dân cư thôn Từ Nham sinh sống dưới ngôi nhà sát biển, có xóm nhỏ thượng lên ghềnh đá cheo leo. Đường xuống Từ Nham lại có núi cát chạy dài, người dân trồng cây dương chắn gió mùa mưa bão.
Bãi biển Từ Nham là bãi ngang, thường có sóng to, gió lớn nên vùng này không thể nuôi tôm hùm bằng lồng bè. Hằng ngày, người dân ở đây vượt qua núi đến Vũng Chào của vịnh Xuân Đài (xã Xuân Phương) dài 1,6km nuôi tôm hùm. Nhiều người cho rằng, con đường Từ Nham đến Vũng Chào nối liền duyên nợ nghề nuôi tôm hùm.
Chúng tôi theo ông Bùi Văn Tính đi từ Từ Nham đến Vũng Chào. Lúc qua cổng chào đầu thôn, ông Tính nhớ lại: Hồi trước chỗ này xe máy chạy trên cát lún, ghì số 1, đi cùng đường nhưng cách xa 100m thì người đi sau không thấy phía trước vì chiếc xe “tàng hình” (chạy số mạnh phun khói đen), nay đoạn này đổ bê tông, xe bon bon lăn bánh.
Thu hoạch tôm hùm ở Vũng Chào. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
“Nhờ có con đường qua núi này mà đi từ thôn Từ Nham qua Vũng Chào gần; còn đi đường bằng thì từ đây lên quốc lộ 1, ngược lại ngã ba Trung Trinh mới đến trung tâm xã Xuân Phương rồi xuống Vũng Dông, Vũng Sứ mới đến Vũng Chào, xa gần 10 cây số”, ông Tính nói.
Đến bè của ông Phan Văn Hội, chúng tôi được ông chia sẻ: Tôi ở thôn Từ Nham hằng ngày qua núi đến đây nuôi tôm. Nuôi tôm con nhàn, mỗi ngày cho ăn 2 lần, lượng thức ăn cũng ít nên sáng đi chiều về, còn nuôi tôm lớn phải ở lại 2-3 đêm mới về. Tôm hùm xanh đạt trọng lượng 3 con/kg thì bán. Bè nuôi 10 lồng thì bỏ túi tiền tỉ. Thế nhưng nuôi tôm thường gặp sự cố. Có những lứa tôm đạt trọng lượng cỡ 5 con/kg thì tôm bị đừ do hàu chỉ quấn. Loại này để lâu thì ốm dần, nhẹ ký vì ít di chuyển nên bắt bán cho thương lái chạy ghe mua dạo, theo giá tôm ngộp.
Còn tôm lanh thì tự dùng càng que làm sạch, hàu chỉ không bám được, nên tôm thay vỏ lớn nhanh. “Nuôi con râu ria cong lưng, khi nó mạnh ăn thì mình mừng, lơ ăn là mình buồn rầu, còn khi tôm bỏ ăn thì mình nuốt cơm không trôi. Năm nuôi trúng, tôm lớn nhanh thì bỏ túi tiền tỉ; còn tôm chết thì lỗ cắm đầu vì đầu tư tiền tỉ, có người khóc ròng”, ông Hội nói.
Chúng tôi đến bè ông Trần Văn Tâm, nghe ông nói: Trên bè có nhà chòi lợp bạt là nơi trú ngụ của người nuôi tôm hùm. Nghề này sống trong “cảnh nhà neo đơn”, cũng có bếp gas, tấm thớt, xoong nồi, nhưng chỉ có đàn ông.
Trung bình mỗi ngày xuất bán hơn 1 tấn tôm hùm
Ngoài thôn Từ Nham, người dân ở thôn Phú Dương, Hòa Hiệp nuôi tôm trên đầm Cù Mông, riêng người dân thôn Vịnh Hòa nuôi tôm trên đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài. Vịnh Hòa có 2 bãi, đó là bãi trước và bãi sau. Bãi trước ngửa mặt ra vịnh Xuân Đài, bãi sau hướng ra đầm Cù Mông.
Gắn “căn cước công dân” trên thúng. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Chúng tôi đến khu dân cư bãi sau. Người dân nuôi tôm hùm đầm Cù Mông, có nhà bước ra khỏi sân là đến bờ đầm, lắc thúng ra bè. Ông Phan Văn Sơn chất rổ thức ăn cho tôm hùm lên thúng cho hay: “Vùng này mực nước thấp (2,5-3,5m lúc nước ròng), nên lồng nuôi được đặt xa bờ để tôm không bị ngộp. Ngày nào cũng cho tôm ăn 2 lần, vì vậy mỗi ngày tôi đi trên thúng nhiều hơn đi trên bờ. Nhờ thúng nhiều người làm ra tiền tỉ, xây nhà lầu, sắm ô tô”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, phương tiện đi lại của người nuôi tôm là thúng nên ở đây 100 thúng đều có ghi tên người và số điện thoại trên vành thúng, gọi là “căn cước công dân” trên thúng. Chia sẻ về việc này, ông Sơn cho hay, khi đặt hàng cho cơ sở sản xuất thúng nhựa composite ở Khánh Hòa, họ hỏi tên, số điện thoại để giao hàng cho đúng. Ví dụ khi đến Gành Đỏ thì có tên Tâm Gành Đỏ, ĐT: 0985...; đến Vũng Chào thì Hùng Vũng Chào, ĐT: 0986... Họ gọi, người đặt làm thúng đến nhận tên, số điện thoại trên thúng.
Cũng theo ông Sơn, nhờ “căn cước công dân” trên thúng mà dù ở bến có hàng trăm thúng, ai cũng dễ dàng tìm ra thúng của mình, giống như “phố có số nhà”. Vậy nên nửa đêm ra bến thúng, chỉ cần rọi đèn pin là nhìn ra thúng của mình để lắc đi thả lưới. Tên ghi dòng chữ to giống như bảng hiệu trên thúng, nên khi gặp gió bão thúng trôi đi xa, người chủ vẫn tìm thấy thúng.
Dưới biển phương tiện đi lại là thúng, còn trên bờ, khi qua xã Xuân Thịnh, ấn tượng là đường bê tông nông thôn chạy dài trên cát. Đi trên đường nội thôn Hòa Hiệp, đường liên thôn Phú Dương - Vịnh Hòa, đến chợ trung tâm xã, bê tông phẳng phiu thoáng đãng. Đường giao thông bê tông hóa thuận lợi cho việc vận chuyển lồng nuôi tôm, các vật dụng làm bè và thức ăn nuôi tôm, bán tôm hùm thương phẩm.
Xuân Thịnh là vùng trọng điểm nuôi tôm hùm của tỉnh. Theo UBND xã Xuân Thịnh, toàn xã hiện có 881 bè nuôi, với 12.260 lồng nuôi trong khu vực đầm Cù Mông và 953 lồng nuôi ở khu vực vịnh Xuân Đài (bãi trước thôn Vịnh Hòa). Trong 6 tháng đầu năm 2024, người dân trên địa bàn xã xuất bán khoảng 6.000 lồng, với hơn 240 tấn tôm hùm xanh thương phẩm, thu được 242 tỉ đồng.
Xuân Thịnh có 2 chợ truyền thống (Hòa Hiệp và Phú Dương), còn chợ bán tôm hùm thì có gần 100 chợ, đó là bãi thúng ven đầm, vịnh, nơi thúng vận chuyển tôm hùm từ biển vào. Với số lượng tôm hùm nuôi của xã thì ngày nào các chợ cũng mua bán trên 1 tấn tôm.
Ông Lê Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh cho biết: Nhờ nuôi tôm hùm hiệu quả, đời sống người dân nâng lên rõ rệt; số hộ khá, giàu ngày càng nhiều, hộ nghèo trong xã cuối năm 2023 giảm còn 1,88%. Tôm hùm là sản phẩm chủ lực của xã, tuy nhiên thời gian qua, ô nhiễm nguồn nước gây ra thiệt hại, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân. Vì vậy, thời gian đến, địa phương sẽ quan tâm đến công tác quy hoạch vùng nuôi thủy sản. Xã xây dựng mô hình tổ dân cư tự quản giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực biển đảm bảo cảnh quan, không để ô nhiễm.
MẠNH HOÀI NAM