Chính phủ vừa ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP, ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Nghị định này giúp đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch, thu hút đầu tư vào phát triển bền vững năng lượng tái tạo, triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động mua bán điện.
Nghị định 80 quy định, có 2 hình thức mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng hoặc mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia. Khi mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng thì đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn tự thỏa thuận hợp đồng mua bán điện giữa 2 bên phù hợp với quy định tại Điều 22, Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, với các nội dung chính như: Chủ thể hợp đồng, mục đích sử dụng, tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ, quyền và nghĩa vụ của các bên, giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán, điều kiện chấm dứt hợp đồng, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, thời hạn của hợp đồng, trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành đường dây kết nối riêng…
Theo đó, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng mua bán điện với tổng công ty điện lực (hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu.
Phú Yên hiện có 6 nhà máy thủy điện, 6 nhà máy điện năng lượng mặt trời và 1 nhà máy điện sinh khối đang hoạt động, mỗi năm phát được 2,4 tỉ kWh điện. Toàn tỉnh còn có 32 dự án đầu tư điện gió và điện mặt trời với tổng công suất hơn 4.800MW được phép nghiên cứu, khảo sát. Nghị định này ra đời sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
SƠN CA