Theo Sở NN&PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có 27 điểm sạt lở bờ sông và 17 điểm sạt lở bờ biển, với tổng chiều dài gần 89km. Theo tiêu chí về phân loại sạt lở bờ sông, bờ biển, hiện có 9 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 13,3km, trong đó có 6 điểm sạt lở bờ sông, 3 điểm sạt lở bờ biển.
Kết quả điều tra thực địa, đánh giá mức độ sạt lở tại 44 vị trí, thì sạt lở bờ sông đối với các khu vực đặc biệt nguy hiểm, gồm bờ sông Hà Yến (xã An Thạch, huyện Tuy An); bờ tả sông Ba đoạn qua thôn Thạnh Hội (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa); bờ sông Con thuộc thôn Ngân Điền (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa); bờ suối Cau (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa); bờ hữu sông Bàn Thạch (xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa). Đối với sạt lở bờ biển, khu vực đặc biệt nguy hiểm là bờ biển thôn Mỹ Quang Nam (xã An Chấn, huyện Tuy An).
Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Các địa phương dọc sông Ba đang diễn ra xâm thực mạnh, mỗi khi mưa bão, lũ lụt xảy ra, sông ăn sâu vào đất liền hàng chục mét. Trung bình hàng năm, xói lở bờ sông, bờ biển đã làm mất hàng chục đến hàng trăm héc ta đất.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã xây dựng được hơn 28km đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng kinh phí hơn 4.750 tỉ đồng, trong đó hơn 22km công trình bảo vệ bờ sông và hơn 6km công trình bảo vệ bờ biển. Các vị trí sạt lở xung yếu đã cơ bản được đầu tư bằng các công trình kè cứng. Các công trình này đã phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn cho người dân và các cơ sở hạ tầng quan trọng, thiết yếu.
NGỌC NHƯ