Để nâng cao năng lực quản lý, vận hành các hồ chứa, Sở NN&PTNT vừa phối hợp với Trường đại học Thủy lợi và các chuyên gia đến từ New Zealand tổ chức tập huấn về quản lý an toàn hồ đập cho cán bộ quản lý và kỹ thuật của các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Nhiều hồ thủy lợi nhỏ xuống cấp
Phú Yên hiện có 51 hồ chứa nước thủy lợi với tổng dung tích khoảng 117,7 triệu m3, 118 đập dâng và khoảng 160 trạm bơm, đảm bảo cung cấp nước tưới cho hàng chục nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài phục vụ tưới cho nông nghiệp, hệ thống công trình thủy lợi còn phục vụ cấp nước cho sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, đa số công trình hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh thuộc loại vừa và nhỏ, phần lớn giao cho các địa phương quản lý, vận hành, khai thác. Công tác quản lý về kỹ thuật, kiểm tra, quan trắc, kiểm định an toàn đập của hồ chứa chưa được các chủ hồ thực hiện thường xuyên, nhất là các hồ chứa nhỏ do cấp xã quản lý vì nguồn kinh phí không đảm bảo để thực hiện.
Công trình phục vụ khai thác hồ chứa chưa đạt yêu cầu, một số hồ chứa chưa có quy trình vận hành hoặc có nhưng không còn phù hợp, song chưa được bổ sung kịp thời…
Theo UBND huyện Tây Hòa, trên địa bàn huyện có các hồ chứa nước Suối Hiền và Đồng Tròn đã xuống cấp, cần đầu tư sửa chữa một số hạng mục nhằm đảm bảo an toàn cho công trình. Tại huyện Sông Hinh, một số công trình thủy lợi cũng bị hư hỏng, xuống cấp như hồ chứa nước Ea Đin 1 bị hư hỏng tràn xả lũ; các hồ chứa nước Đội 1 và hồ Nhánh Đông bị thấm nước qua đập đất; hồ chứa nước La Bách đã xuống cấp…
Trước tình trạng nhiều công trình thủy lợi xây dựng từ lâu đã xuống cấp, ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa kiến nghị: Tỉnh và trung ương cần hỗ trợ kinh phí để địa phương lập hồ sơ quản lý tài sản kết cấu hạ tầng các công trình thủy lợi; duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; đo đạc chỉnh lý cắm mốc toàn bộ các công trình thủy lợi. Tỉnh cần thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Nâng cao năng lực vận hành
Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, cực đoan, mưa, lũ vượt tần suất thiết kế đã ảnh hưởng lớn đến an toàn đập, hồ chứa nước. Trong khi năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo phục vụ điều hành hồ chứa nước chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi ở địa phương còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kinh phí…
Hiện nay, nhóm các hồ chứa vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế, nên công tác quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước là rất quan trọng. Mục đích tập huấn về quản lý an toàn hồ đập tại Phú Yên nhằm giảm thiểu rủi ro, tác động của các sự cố hồ, đập và nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai, an toàn đập. PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Thủy lợi |
Theo Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, hiện doanh nghiệp đang quản lý, vận hành 8 hồ chứa nước thủy lợi với tổng dung tích hơn 91,8 triệu m3, phục vụ tưới cho hơn 37.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Nhành, Phó Giám đốc công ty này cho biết: Hằng năm, công ty đều xây dựng và triển khai các phương án nhằm đảm bảo an toàn hồ, đập.
Công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước được công ty thực hiện thường xuyên, liên tục để nắm bắt kịp thời hiện trạng đập, hồ chứa nước. Trước mùa mưa lũ hằng năm, công ty tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước và thực hiện các biện pháp, xử lý kịp thời các hư hỏng để bảo đảm an toàn.
Các nguyên nhân chính gây ra sự cố đối với hồ, đập đó là tràn đỉnh hoặc đập tràn có trục trặc (45% khả năng vỡ đập), xói trong (43% khả năng vỡ đập), trượt (5% khả năng vỡ đập), động đất (1% khả năng vỡ đập), không rõ nguyên nhân (6% khả năng vỡ đập).
Theo TS Bùi Quang Cường, chuyên gia an toàn đập Trường đại học Thủy lợi, khi đập bị vỡ, một khối nước lớn sẽ xả xuống khu vực hạ lưu trong một khoảng thời gian ngắn, dòng lũ này sẽ cuốn theo mọi thứ và gây thiệt hại rất lớn cho vùng hạ lưu. Việc nắm vững các nguy cơ thiên tai và rủi ro tới công trình hồ, đập và hậu quả tiềm tàng đối với cộng đồng ở hạ lưu là rất quan trọng.
“Để bảo đảm an toàn hồ, đập, chủ hồ phải thường xuyên tổ chức khảo sát định kỳ, quan trắc tổng thể sự vận hành của công trình đập, kiểm tra định kỳ sự an toàn của công trình. Đồng thời, việc thường xuyên duy tu bảo dưỡng; thẩm định định kỳ sự an toàn của công trình sẽ giúp đảm bảo công trình vận hành an toàn. Chủ hồ phải xây dựng kế hoạch hành động trong trường hợp khẩn cấp; chuẩn bị tốt kế hoạch ứng phó; nắm được địa chỉ các nguồn lực để hỗ trợ khẩn cấp; nắm được các cách thức cảnh báo đến cộng đồng dân cư ở hạ lưu”, TS Bùi Quang Cường nói.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, các đơn vị quản lý, khai thác các hồ chứa thủy lợi, thủy điện cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn công trình, đồng thời kiểm soát tốt nguồn nước phục vụ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.
Riêng đối với những hồ chứa không bảo đảm an toàn, các địa phương, đơn vị tuyệt đối không tích nước hoặc chỉ tích nước ở mức phù hợp, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành gắn với an toàn hạ du và tập trung đào tạo bồi dưỡng nhân lực để nâng cao năng lực quản lý, vận hành.
ANH NGỌC