Thay vì trồng sắn theo cách truyền thống, thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sông Hinh đã chuyển đổi sang trồng sắn sử dụng màng phủ bạt kết hợp tưới nước nhỏ giọt.
Nông dân xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) trồng sắn phủ bạt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC HÂN |
Mô hình này bước đầu mang lại kết quả và đang được khuyến khích nhân rộng vì có nhiều ưu điểm vượt trội như: Tiết kiệm nước, không tốn công chăm sóc, giảm được phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…
Nhiều ưu điểm vượt trội
Vụ đông xuân này, gia đình ông Lê Tấn Hải ở thôn Hà Giang, xã Sơn Giang, áp dụng kỹ thuật phủ bạt để trồng sắn. Sau gần 6 tháng, đến nay ông Hải đã thu hoạch để xuống giống vụ mới cho kịp thời vụ cùng các thửa đất xung quanh.
Ông Hải cho biết: Mặc dù thời gian trồng ngắn, quá trình sinh trưởng gặp mưa nhiều nhưng so với trồng sắn thông thường thì năng suất tăng gấp đôi, hàm lượng tinh bột củ sắn trồng phủ bạt cũng nhiều và cân nặng hơn. Năng suất trồng sắn theo cách truyền thống khoảng 1-2,5 tấn/sào, còn trồng phủ bạt đạt từ 4-5 tấn/sào.
Với 6 sào đất trồng sắn, hằng năm, gia đình bà Trần Thị Vinh ở thôn Bình Yên, xã Sông Hinh thường chọn giống sắn có năng suất cao để trồng theo cách truyền thống. Riêng vụ này, bà trồng thử nghiệm sắn được phủ bạt, mỗi hom sắn cách nhau khoảng 50-60cm, mỗi hàng cách nhau khoảng 40cm. Trước khi trồng, bà Vinh cũng lên luống theo cách truyền thống, chỉ khác là phủ thêm lớp bạt màu đen vào giữa luống đặt đường ống nước tưới nhỏ giọt.
“Tuy mới trồng sắn phủ bạt thử nghiệm, nhưng tôi thấy tiết kiệm được nhiều chi phí như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với mô hình trồng này, tỉ lệ nảy mầm đạt hơn 90%, khi bón phân chỉ cần rải vào lỗ hom trên bề mặt bạt. Mùa mưa không làm xói đất trên các luống, cỏ cũng không phát triển gây hại sắn”, bà Vinh chia sẻ.
Còn theo ông Ksor Xuân ở buôn Diêm, thị trấn Hai Riêng, chi phí trồng sắn phủ bạt không cao hơn trồng sắn truyền thống. Ngược lại, trồng sắn phủ bạt tiết kiệm được nước, không tốn công chăm sóc, giảm được phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, năng suất gấp đôi, thậm chí cao hơn. Sang vụ tới, ông Xuân quyết định áp dụng kỹ thuật trồng sắn phủ bạt cho toàn bộ diện tích đất trồng sắn của gia đình.
Tiếp tục nhân rộng
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh Lý Thị Thu Hằng, sắn là loại cây dễ trồng. Cùng với nhà máy tiêu thụ đóng ngay trên địa bàn huyện, sắn đã giúp nhiều người dân thoát nghèo, là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình.
Tuy nhiên, những năm gần đây, năng suất sắn giảm sút do dịch bệnh, nên mô hình trồng sắn phủ bạt là giải pháp tích cực đang được các địa phương đặc biệt quan tâm để nâng cao thu nhập cho người dân; đặc biệt là các xã đang phấn đấu về đích xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
“Toàn huyện hiện có hơn 100 hộ áp dụng trồng sắn phủ bạt với khoảng 50ha. Riêng vụ đông xuân 2023-2024, huyện phối hợp với Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên triển khai mô hình và hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn sử dụng màng phủ nông nghiệp kết hợp có tưới nhỏ giọt với diện tích 5ha, có 7 hộ tại xã Sông Hinh, Sơn Giang và thị trấn Hai Riêng tham gia (các hộ trồng được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha)”, bà Hằng cho hay.
Điển hình tại xã Sơn Giang, ngay trong vụ đầu tiên trồng thử nghiệm, năng suất sắn đạt đến 50 tấn/ha, cao hơn nhiều so với cách trồng truyền thống chỉ đạt 15-18 tấn/ha. Ông Hứa Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã này cho biết: Địa phương đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, thì tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi rất chú trọng việc sản xuất, tạo kế sinh nhai, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua mô hình trồng sắn phủ bạt.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Sông Hinh Nay Y Sét, mô hình trồng sắn phủ bạt là hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và là nhu cầu, nguyện vọng của người dân. “Hiện nay, địa phương khuyến khích nông dân trồng sắn theo phương pháp này. Cùng với đó, xã cũng tính tới phương án hướng dẫn người dân thu gom và xử lý rác thải nhựa là bạt sau khi thu hoạch sắn một cách hiệu quả để bảo vệ môi trường”, ông Nay Y Sét nói.
UBND huyện Sông Hinh đã làm việc với Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên tiếp tục đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn phủ bạt; đồng thời cam kết thu mua toàn bộ sản lượng sắn theo giá thị trường. Với mô hình này, sản lượng sắn đạt 40-50 tấn/ha, cho thu nhập cao nên huyện quyết tâm nhân rộng ra toàn huyện. Cụ thể, trong vụ tới sẽ tiếp tục trồng trên địa bàn xã Sông Hinh và thị trấn Hai Riêng để bà con nông dân học tập kinh nghiệm.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh |
NGỌC HÂN