Nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được hàng trăm sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Thời gian đến, tỉnh tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, chủ thể sản phẩm trong quá trình thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Quan tâm, tạo điều kiện
Để phát triển sản phẩm OCOP, UBND TP Tuy Hòa đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo đó, các ngành chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng thế mạnh của địa phương và đáp ứng yêu cầu về quy mô vùng nguyên liệu.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Ngoài quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn mác, bao bì, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, hằng năm, đơn vị còn chủ động triển khai các lớp tập huấn, tư vấn, định hướng phát triển sản phẩm OCOP cho các địa phương; rà soát, lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm tham gia thi đánh giá, phân hạng.
Huyện Tây Hòa hiện có 30 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao. Địa phương đang tiếp tục rà soát các sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn chủ thể tham gia; đồng thời nâng hạng sản phẩm hiện có.
Theo ông Mai Ne, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tây Hòa, từ các nguồn ngân sách, huyện đã đầu tư phát triển sản phẩm OCOP, giúp các chủ thể thay đổi máy móc thiết bị sản xuất, xây dựng nhà xưởng, xây dựng nhãn hiệu, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, xử lý môi trường.
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ xây dựng, phát triển các sản phẩm khởi nghiệp, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm ở các hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh. Từ đó, các sản phẩm dần được mở rộng thị trường, người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm.
Ông Phạm Đức Hậu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (TX Đông Hòa) cho hay: “Qua các chương trình quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương, sản phẩm gạo chất lượng cao Hòa Thành đạt OCOP 3 sao đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao, giúp doanh thu của đơn vị tăng 30-40% so với trước đây”.
Nỗ lực nâng hạng sản phẩm
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, việc duy trì, nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP là tất yếu nhưng không phải bắt buộc với các chủ thể. Để thực hiện nâng từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể phải chứng minh được sự mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ; các tiêu chí về chất lượng sản phẩm phải hoàn thiện theo thang điểm của sản phẩm 4 sao. Còn đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao phải do Hội đồng Trung ương xét, công nhận.
Điển hình như HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), năm 2020 tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm dầu phộng và được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Sau 3 năm được công nhận, để duy trì và nâng hạng sao cho sản phẩm, mới đây, HTX tiếp tục tham gia đánh giá, phân hạng lại sản phẩm dầu phộng.
Nhờ địa phương hỗ trợ kinh phí đầu tư thêm máy móc, triển khai quy hoạch vùng trồng chuyên canh với quy mô lớn nên sản phẩm dầu phộng vừa được hội đồng OCOP huyện đánh giá lại đạt OCOP 3 sao và tiếp tục phấn đấu nâng hạng lên 4 sao trong năm 2024.
Năm 2023, sản phẩm cá ngừ đại dương của Công ty TNHH Hải sản Bình Minh được phân hạng OCOP 4 sao. Để sản phẩm được nâng hạng thành sản phẩm OCOP 5 sao thương hiệu quốc gia, ông Phạm Tấn Phong, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bình Minh cho biết: Doanh nghiệp đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp như: Thay thế, cải thiện mẫu bao bì của sản phẩm để bảo đảm tiêu chí thân thiện với môi trường, đẹp mắt hơn, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá mở rộng thị trường các nước.
Để thực hiện đạt hiệu quả Chương trình OCOP, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, chủ thể sản phẩm trong quá trình tham gia, đánh giá phân hạng.
“Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 2 sản phẩm OCOP quốc gia. Tỉnh ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa; ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa; 70% làng nghề có sản phẩm OCOP; 90% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại. Cùng với đó, chúng tôi nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP…”, bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh.
Theo Sở NN&PTNT, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, sau hơn 4 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh có 114 chủ thể tham gia Chương trình OCOP với 252 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao, 242 sản phẩm đạt 3 sao. Riêng năm 2023, 191 sản phẩm đạt OCOP và 22 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. |
NGỌC HÂN