Mô hình nuôi cá mú trân châu trong ao đất ở TX Đông Hòa đang được đánh giá là tiềm năng. Sau khi kết thúc mô hình này, cơ quan chức năng sẽ triển khai nhân rộng và hướng người nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cá biển, nhằm phát triển nghề nuôi biển ở Phú Yên bền vững hơn.
Chuyển đổi đối tượng nuôi
Những năm gần đây, nghề nuôi cá biển thương phẩm ở Phú Yên phát triển mạnh. Tuy nhiên, công tác quản lý ở địa phương chưa chặt chẽ, tình trạng nuôi tự phát vẫn còn xảy ra ở nhiều vùng nuôi, người nuôi sử dụng thức ăn tươi là cá tạp hay thức ăn tự chế biến nên không đảm bảo chất lượng, môi trường vùng nuôi dễ bị ô nhiễm, hiệu quả kinh tế chưa cao…
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc triển khai mô hình nuôi cá biển sử dụng thức ăn công nghiệp là rất cần thiết và là xu hướng mang tính bền vững của nghề nuôi biển hiện nay. Nhờ chủ động được nguồn giống nhân tạo và được thị trường ưa chuộng nên cá mú là đối tượng được nhiều người dân ven biển trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư để nuôi. Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nuôi cá mú trân châu thương phẩm trong ao đất sử dụng thức ăn công nghiệp tại TX Đông Hòa.
Ông Nguyễn Kỳ Thanh ở khu phố Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) cho biết: Trước đây, gia đình tôi nuôi tôm thẻ chân trắng và gặp nhiều khó khăn vì thường xuyên xảy ra dịch bệnh, dẫn đến thua lỗ nhiều. Gia đình tôi có ý định chuyển sang đối tượng nuôi mới ổn định hơn và được Trung tâm Khuyến nông tỉnh khảo sát đủ điều kiện nên chọn để triển khai mô hình nuôi cá mú trân châu trong ao đất. Cá được thả nuôi từ giữa tháng 6/2023, trên diện tích 3.300m2. Đến nay được 9 tháng, hiện cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.
Là người thường xuyên ứng trực tại ao nuôi của mô hình, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Kỹ thuật nuôi, cách cho cá ăn và phòng trị bệnh trên cá mú được cán bộ Trạm Khuyến nông TX Đông Hòa và Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn rất cụ thể và thường xuyên. Khi cá còn nhỏ, cho ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều tối, khẩu phần cho ăn khoảng 2-3% trọng lượng thân. Khi cá đạt trọng lượng từ 200g/con trở lên, cho cá ăn 1-2 lần/ngày.
Đến nay, cá đạt trọng lượng trên dưới 1kg/con, cho ăn 1-2 ngày/lần và cho ăn thêm thức ăn tươi là cá tạp. Việc quản lý nguồn nước trong ao nuôi cũng rất quan trọng, phải đảm bảo đủ độ mặn và thường xuyên kiểm tra, xử lý, không để xảy ra ô nhiễm.
Nhân rộng mô hình theo hướng công nghiệp
Mô hình nuôi cá mú thương phẩm trong ao đất của hộ ông Nguyễn Kỳ Thanh được triển khai đầu tiên trên địa bàn thị xã. Mô hình này thả nuôi 3.300 con cá giống (mật độ 1 con/m2), đến nay đã được 9 tháng, cá phát triển tốt và đạt trọng lượng trung bình khoảng 0,9-1kg/con, tỉ lệ sống đạt 85%. Tiến độ nuôi như vậy là đạt yêu cầu.
“Việc triển khai mô hình nuôi cá sử dụng thức ăn công nghiệp đã giúp nông dân chủ động hơn về nguồn thức ăn, bên cạnh đó còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, hướng đến nghề nuôi cá biển bền vững, đạt hiệu quả hơn”, ông Huỳnh Thúc Khoa, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông TX Đông Hòa cho biết.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình nuôi cá mú này sẽ triển khai trong 10 tháng, kinh phí Nhà nước hỗ trợ không quá 50% tiền mua con giống và thức ăn công nghiệp, còn lại do hộ dân tự đối ứng. Các thông số kỹ thuật của mô hình nuôi cá mú tại TX Đông Hòa đến nay đều đạt yêu cầu.
Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Do chưa đủ thời gian và kích cỡ thu hoạch nên chưa thể hạch toán hiệu quả kinh tế vụ nuôi ở thời điểm hiện tại. Dự kiến trong tháng 4/2024, trung tâm sẽ tổ chức nghiệm thu, tổng kết và đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình. Tuy nhiên, với các tiêu chí kỹ thuật ước đạt như nêu trên và giá bán cá thương phẩm ổn định trong khoảng 150.000-250.000 đồng/kg, thì đây là đối tượng cá biển nuôi tiềm năng. Đồng thời, mô hình cũng góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho nông dân và đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Nếu mô hình nuôi cá mú trong ao đất ở TX Đông Hòa thành công như dự kiến thì đây là bước đệm để người nuôi cá mú trong vùng chuyển đổi dần từ thức ăn tươi (cá tạp) sang sử dụng thức ăn công nghiệp, nhằm hướng đến phát triển nghề nuôi cá biển ở Phú Yên bền vững.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trương Văn Tuấn |
ANH NGỌC