Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng thu nhập cho nông dân. Đây là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị, chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư hiệu quả hơn.
Hình thành chuỗi liên kết
Theo Liên minh HTX tỉnh, năm 2023, tình hình kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự đổi mới, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều HTX chủ động tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp thông qua việc hình thành các chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con nông dân.
Từ định hướng sản xuất thủ công, nhỏ lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và số hóa các khâu từ quản lý, sản xuất chế biến đến tiếp cận thị trường và bán sản phẩm, đến nay, toàn tỉnh đã có 31 sản phẩm của 18 HTX nông nghiệp được tỉnh công nhận OCOP 3-4 sao.
Thành công với thương hiệu gạo thơm Hoa vàng đạt OCOP 3 sao, thời gian qua, HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) luôn là điểm sáng để các HTX khác học tập kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các thành viên phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Tấn Khoa, Giám đốc HTX này cho biết: Việc xây dựng chuỗi liên kết, có sản phẩm thương mại đã giúp HTX có chỗ đứng trên thị trường, mở rộng mối quan hệ hợp tác sản xuất. Giờ đây, không chỉ bà con tin tưởng, mà nhiều đối tác tìm tới hợp tác tiêu thụ sản phẩm với HTX. Hiện nay, HTX tiếp tục triển khai mô hình liên kết sản xuất, tạo ra 2 sản phẩm mới đó là: gạo thơm Hoa vàng và gạo lứt Hoa vàng với giống lúa huyết rồng để đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Không chỉ liên kết sản xuất trên cây lúa, các HTX còn thực hiện với bắp, sắn, sen, khóm, dưa hấu... Theo ông Võ Văn Dị, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Phú (huyện Tây Hòa), ngoài cây lúa, HTX đã liên kết với Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên hỗ trợ cung cấp giống cho bà con trồng bắp sinh khối với diện tích hơn 10ha; đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định.
“Để liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo đầu ra ổn định, mới đây, HTX tiếp tục triển khai mô hình trồng sen và liên kết với Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt (tỉnh Đồng Tháp) ký hợp đồng thu mua các sản phẩm từ sen. Hiện đã trồng hơn 2ha và HTX đang tiếp tục thuê đất để trồng mới, cố gắng đến năm 2025 sẽ nhân rộng diện tích trồng sen lên hơn 20ha”, ông Dị cho biết.
Hợp tác để phát triển bền vững
Khẳng định được cách làm thông qua chuỗi giá trị, tại hội nghị Ban Chấp hành Liên minh HTX tỉnh lần thứ 8, khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 mới đây, nhiều đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, tồn tại trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh của HTX và đề ra giải pháp hỗ trợ, khắc phục để tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Theo ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), liên kết sản xuất không chỉ giúp nông dân được bao tiêu mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như khai thác tiềm năng đất đai, giúp duy trì sản xuất cả trong điều kiện thời tiết bất thường.
Ông Dư bày tỏ: “Với HTX, đây còn là tiền đề để thực hiện chuỗi liên kết, gia tăng giá trị nông sản. Việc hợp tác liên kết với doanh nghiệp đã giúp HTX xây dựng được 12 mô hình sản xuất trên 172ha với 992 hộ tham gia; trong đó, cây lúa là 116ha, bắp 15ha, đậu phộng 4ha, sắn 30ha và đậu phộng xen sắn 7,2ha. Mới đây, sản phẩm dầu phộng của HTX vừa được xét công nhận lại là sản phẩm OCOP sau 3 năm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn, đã tạo động lực để HTX tiếp tục liên kết phát triển sản xuất”.
Ông Phạm Tấn Thơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội (huyện Phú Hòa) chia sẻ: “Giá cả thị trường thay đổi liên tục, người sản xuất luôn gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm. Để giải được bài toán khó về giá và đầu ra cho nông sản, HTX liên kết với Công ty TNHH Nông sản Khải Điền hỗ trợ cung cấp giống để trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ trên diện tích 50ha; đồng thời ký hợp đồng với công ty thu mua ổn định trong thời gian 5 năm, nên bà con nông dân yên tâm sản xuất, tiếp tục mở rộng diện tích”.
Nói về liên kết chuỗi giá trị, ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho hay: Khi nông dân là các thành viên HTX tham gia các mô hình chuỗi liên kết sẽ được hướng dẫn quy trình sản xuất, cách quản lý, tổ chức sản xuất cộng đồng; hướng dẫn ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất; đồng thời được bao tiêu sản phẩm và không bị thương lái ép giá.
Đối với các công ty, doanh nghiệp, HTX chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chủng loại giống, chất lượng sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.
“Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã đem lại lợi ích cho HTX và thành viên, góp phần giảm bớt nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, tăng giá trị sản phẩm… Đây là yếu tố tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc liên kết sẽ trở nên bền vững khi nhận thức và trách nhiệm của người nông dân được nâng cao. Người dân thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia HTX, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần hoặc phá vỡ liên kết”, ông Lam khẳng định.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phấn đấu có 5 liên hiệp HTX, trên 300 HTX, 170 tổ hợp tác; trên 45 mô hình chuỗi giá trị liên kết gắn với phát triển sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững có sự tham gia của các HTX nông nghiệp; mỗi huyện, thị xã, thành phố có 15-20 mô hình HTX kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, phát triển bền vững.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
THÁI NGỌC