Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (tiêu chí số 13) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao là một tiêu chí khó. Không chỉ thực hiện khó mà việc duy trì các chỉ tiêu sao cho hiệu quả, có chiều sâu cũng là bài toán không đơn giản.
Hiện nhiều địa phương đang xây dựng hoặc phấn đấu về đích NTM nâng cao loay hoay thực hiện tiêu chí này.
Khó xây dựng mã vùng trồng
Sơn Giang là một trong các xã của huyện miền núi Sông Hinh đang phấn đấu về đích NTM nâng cao trong năm 2023. Tuy nhiên qua rà soát, đến nay, xã này mới chỉ đạt 16/19 tiêu chí NTM và 12/19 tiêu chí NTM nâng cao. Trong đó, khó khăn nhất của địa phương là thực hiện tiêu chí số 13.
Ông Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho biết: “Mặc dù có nhiều mô hình phát triển kinh tế nhưng Sơn Giang lại không có sản phẩm đặc trưng. Tiêu chí số 13 có 8 chỉ tiêu nhỏ thì có tới 5 chỉ tiêu xã chưa đạt. Khó khăn nhất là xây dựng sản phẩm OCOP và vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực để cấp mã vùng trồng”.
Xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân có nhiều thuận lợi khi thực hiện tiêu chí số 13 để về đích xã NTM nâng cao. Xã có làng nghề sản xuất và chế biến dầu phộng Xuân Phước ở thôn Phú Xuân B và sản phẩm OCOP đã được công nhận từ năm 2020. Tuy nhiên, địa phương vẫn vướng trong xây dựng vùng nguyên liệu tập trung để được cấp mã vùng trồng.
Ông Nguyễn Nhàn, Quyền Chủ tịch UBND xã Xuân Phước cho biết: Để về đích xã NTM nâng cao, địa phương đang nỗ lực thay đổi cách sản xuất, triển khai thực hiện quy hoạch vùng trồng để từng bước hình thành vùng chuyên canh sản xuất đậu phộng quy mô lớn, theo hướng tích hợp đa giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đảm bảo tiêu chuẩn để được cấp mã vùng trồng.
Theo ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh, căn cứ Quyết định 318 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất (tiêu chí số 10, 11, 12, 13), thì tiêu chí số 13 mới có 39/83 xã đạt, tỉ lệ 47%.
“Việc thực hiện chỉ tiêu có sản phẩm OCOP được xếp hạng rất khó thực hiện. Hiện cây trồng chủ lực ở các địa phương vẫn là cây lúa, giá trị tương đối thấp. Mặc dù việc cấp mã cho các vùng trồng đã được hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên các địa phương vẫn đang loay hoay trong quá trình thực hiện”, ông Nhân cho hay.
Quyết tâm thực hiện, bảo đảm tính bền vững
Về lại xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa hôm nay, diện mạo bức tranh thôn quê tươi mới, với các tuyến đường liên thôn được bê tông phẳng lì, hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố mọc san sát, các công trình phúc lợi khang trang, hiện đại, nhiều cây xanh, cột điện thắp sáng... Điều này khẳng định thêm sự quyết tâm, nỗ lực của địa phương trong quá trình xây dựng NTM nâng cao.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, với nhiều khó khăn, vướng mắc, Hòa Hội xác định khó về đích NTM nâng cao đúng hẹn. Dù vậy, địa phương vẫn quyết tâm cao để thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, trong đó có tiêu chí số 13. Bởi đây là tiêu chí mang tính thúc đẩy các tiêu chí khác.
“Đến nay, xã đã xây dựng thành công chuỗi giá trị nông sản trên cây dưa hấu và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; đồng thời được cấp mã vùng trồng để sản xuất theo hướng VietGAP… Điều này giúp Hòa Hội sớm về đích xã NTM nâng cao trong năm nay”, ông Tỉnh phấn khởi nói.
Mặc dù chưa đạt tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM nâng cao, nhưng xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) cũng đang nỗ lực để sớm về đích trong năm 2024. Hiện địa phương triển khai mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình lúa chất lượng cao và hoàn thiện hồ sơ 2 sản phẩm bột dong riềng, gạo thơm Sơn Triều tham gia Chương trình OCOP.
Ông Tô Tấn Nguyên, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Kiến 1 cho hay: Thế mạnh của HTX là các sản phẩm rau sạch, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP và được khách hàng tin dùng. Để cùng địa phương về đích NTM nâng cao, HTX đang làm hồ sơ xin cấp mã vùng trồng rau để xây dựng thành công thương hiệu rau an toàn Hòa Kiến.
Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh, so với bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao cũ, thì bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 tăng thêm 8 chỉ tiêu mới gồm: có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương; mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm; ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã; sản phẩm chủ lực được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử; vùng nguyên liệu tập trung được cấp mã vùng trồng…
“Đây đều là các yêu cầu mới, khó thực hiện nhưng cũng chính những chỉ tiêu này giúp giải quyết yêu cầu thực tiễn, đưa khâu tổ chức sản xuất bắt nhịp với xu thế phát triển kinh tếhiện đại.
Do vậy, các địa phương sắp về đích xã NTM nâng cao trong thời gian tới cần phải có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, bảo đảm tính bền vững của tiêu chí; đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị…
Chính định hướng này sẽ góp phần giúp các xã dần tháo gỡ khó khăn, từng bước đạt các chỉ tiêu trong tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”, bà Thủy khẳng định.
Các địa phương đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện lại các chỉ tiêu, tiêu chí theo các quy định giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu cuối năm 2024, cơ bản hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí NTM, NTM nâng cao của bộ tiêu chí mới, đảm bảo không bị thu hồi theo quy định tại Quyết định 18 của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT |
NGỌC HÂN