Thứ Ba, 24/09/2024 12:24 CH
Làng nghề hối hả vào vụ tết
Thứ Ba, 12/12/2023 07:00 SA

Sản xuất bánh tráng tại cơ sở Hai Thơm ở làng nghề bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An). Ảnh: NGỌC HÂN

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã cận kề. Thời điểm này, các làng nghề truyền thống đang chạy đua với thời gian để kịp đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ người tiêu dùng, với kỳ vọng có một mùa tết bội thu.

 

Tăng lượng hàng tết

 

Những ngày này, các lò tráng bánh ở làng nghề bánh tráng Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) luôn đỏ lửa hoạt động hết công suất để đủ số lượng bánh cung ứng cho thị trường. Nối tiếp và gắn bó với nghề tráng bánh truyền thống của gia đình đã hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Năm, chủ một cơ sở tráng bánh ở thôn Đông Bình cho hay nghề này được gia đình bà duy trì quanh năm, song tết là vụ chính.

 

Giữa tháng 10 âm lịch, làng nghề đã bắt đầu tất bật. “Mùa tết, nếu trời nắng ráo, tráng thủ công bình quân mỗi ngày gần 1.000 bánh, còn tráng máy thì hơn 10.000 bánh. Giá bánh tráng phụ thuộc vào giá gạo, trấu và nhu cầu thị trường tiêu thụ.

 

Hiện giá bán 135.000-140.000/100 bánh tráng tay, cận tết có thể tăng cao; còn bánh tráng máy có ưu thế năng suất cao nên giá thành rẻ hơn bánh tráng tay từ 3.000-5.000 đồng/100 bánh. Bánh làm ra đến đâu có người đến tận nhà mua đến đấy nên lò nhà nào cũng tranh thủ tráng từ mờ sáng”, bà Năm nói.

 

Không khí sản xuất tại làng nghề chiếu cói Phú Tân (xã An Cư, huyện Tuy An) cũng tất bật, khẩn trương. Đang tỉ mỉ may biên từng chiếc chiếu, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, chủ cơ sở dệt chiếu máy ở thôn Phú Tân 1 cho biết: Cả thôn có 153 hộ làm nghề này.

 

Trước đây, trung bình một lao động chỉ dệt được 1-2 chiếc chiếu/ngày thì nay nhờ đầu tư máy móc nên mỗi lao động có thể dệt 8-9 chiếu/ngày, được trả công từ 150.000-200.000 đồng/ngày.

 

Giá chiếu năm nay tăng hơn mọi năm, chiếu thủ công chưa nhuộm có giá 80.000-90.000 đồng/đôi; còn chiếu dệt máy đã nhuộm có giá 150.000-170.000 đồng/đôi. Vì vậy, thời gian này cả làng nghề gần như không ngủ, ai cũng bận rộn luôn chân, luôn tay.

 

Nhờ đầu tư máy móc vào sản xuất nên sản lượng chiếu được cải thiện đáng kể, bình quân mỗi ngày làng nghề này cung cấp cho thị trường gần 1.000 chiếc chiếu cói các loại.

 

Người dân làng nghề chiếu cói Phú Tân (huyện Tuy An) tất bật sản xuất hàng tết để cung ứng thị trường tiêu thụ. Ảnh: NGỌC HÂN

 

Người trồng hoa phấn khởi

 

Các làng nghề trồng hoa, cây cảnh và rau màu cũng đang chộn rộn với cao điểm vụ tết. Từ giữa tháng 10 âm lịch, người trồng hoa ở các làng nghề bắt đầu xuống giống các loại hoa lay ơn, vạn thọ, cúc...

 

Theo nhiều hộ trồng, do thời tiết ít mưa nên vụ hoa tết năm nay xuống giống khá thuận lợi, đến nay cơ bản xuống giống xong và tích cực chăm sóc, bảo vệ để phục vụ dịp tết Nguyên đán.

 

Ông Nguyễn Văn Thanh ở làng nghề trồng hoa và rau màu Ngọc Sơn Đông (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa), phấn khởi nói: Gia đình tôi năm nay trồng 5 sào hoa lay ơn đỏ đô và lay ơn vàng. Với thời tiết như hiện nay, hy vọng cây sẽ phát triển tốt. Hiện lay ơn đã tách được 2 lá.

 

Bà con đang tập trung vô phân hỗ trợ cây phát triển để bung gié; cận tết, nếu thời tiết không nắng thì chong đèn cho hoa. Hiện khách quen ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã gọi điện đặt cọc mua hoa số lượng lớn, khoảng 22-27 tháng Chạp sẽ bắt đầu thu hoạch đóng hàng gửi đi.

 

Vừa chăm các chậu cây cảnh, ông Lê Văn Suyền ở làng nghề hoa cây cảnh Liên Trì 1 (phường 9, TP Tuy Hòa), cho hay: Làng nghề hiện có 120 hộ tham gia, bà con chủ yếu trồng mai, quất, cúc đại đóa, hoa thân thảo và các loại bon sai. Riêng vụ tết này, làng nghề trồng khoảng 10.000 chậu hoa lớn nhỏ các loại cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Với giá cây giống, phân bón và vật tư nông nghiệp khác đều cao, giá hoa, cây cảnh năm nay phải nhích hơn năm ngoái thì người trồng hoa mới có lãi. Thời điểm này, người dân làng nghề đang sử dụng phương pháp chong đèn để nuôi hoa, giúp cây phát triển nhanh hơn.

 

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), hiện toàn tỉnh có 20 làng nghề truyền thống công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được công nhận. Các làng nghề phát triển phù hợp với định hướng của tỉnh; khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.

 

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường ngày tết, hiện các cơ sở sản xuất đều chăm chút về mẫu mã, bao bì, chất lượng…

 

“Để kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề, phục vụ tiêu dùng dịp tết Giáp Thìn, nhiều địa phương đã mở các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các làng nghề. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa kích cầu cho thị trường dịp cuối năm, đồng thời giúp doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao nhận thức về hàng Việt”, ông Thắng nhấn mạnh. 

 

Những năm gần đây, các cơ sở làng nghề từng bước quan tâm, đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, giúp tăng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sản phẩm các làng nghề đang từng bước nâng cao về chất lượng cũng như quy mô hoạt động, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương.

 

Bà Đng Th Thy, Phó Giám đc S NN&PTNT

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek