Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu để phát triển nông nghiệp hiện đại, mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số. Đây là cơ hội để các địa phương trong tỉnh bứt phá, vươn lên, nếu không muốn lỡ nhịp.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững trên cây trồng, Sở NN&PTNT đã và đang phối hợp với Công ty TNHH hSpace (TP Hồ Chí Minh) tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân, HTX nắm bắt và áp dụng tốt CĐS.
Đồng hành cùng nông dân
Tại xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), buổi tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ trong thu thập thông tin, dữ liệu, hướng đến mục tiêu CĐS nông nghiệp trên cây sầu riêng diễn ra khá sôi nổi.
Gần 100 hộ dân, tổ hợp tác trồng sầu riêng trên địa bàn xã được thông tin về những tiện ích của CĐS nông nghiệp; hướng dẫn cài đặt app hSpace trên điện thoại để đăng ký tài khoản, ứng dụng công nghệ số hóa vườn trồng từng nông hộ.
Với cách làm này, bà con nông dân phấn khởi, thích thú vì ngoài việc nắm bắt thông tin còn tự tay thực hành các nội dung đã tập huấn, biết ứng dụng ngay.
Ông Đào Minh Đức ở buôn Trinh, xã Ea Bar sở hữu vườn trồng sầu riêng rộng hơn 3ha. Lâu nay sầu riêng sau khi thu hoạch chủ yếu bán lẻ tại các chợ hoặc thương lái đến thu mua, chứ chưa có kênh tiêu thụ nào ổn định mặc dù gia đình ông Đức đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Ông Đức phấn khởi nói: “Tôi biết sử dụng điện thoại thông minh, nhưng lại chưa biết cách khai thác triệt để những tính năng từ thiết bị để phục vụ cho việc sản xuất, tiêu thụ nông sản. Sau khi được hướng dẫn, tôi thấy việc đăng ký đơn vị quản lý vùng trồng với hSpace thật tiện lợi, nông dân tham gia vào nhóm hợp tác sản xuất, được hỗ trợ kỹ thuật canh tác tích hợp tiêu chuẩn chất lượng, kiểm soát nội bộ theo tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn minh bạch, đáp ứng các quy định, hàng rào kỹ thuật và tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”.
Tương tự, nông dân trồng sen trên địa bàn xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) cũng được tiếp cận, hướng dẫn thực hiện các bước CĐS trên cây sen qua việc cài đặt app hSpace. Họ có thể dễ dàng làm theo, từ việc đăng ký tài khoản, tạo nhóm hợp tác số, chuẩn hóa thông tin nông hộ… đến truy xuất nguồn gốc.
Ông Võ Ngọc Hưởng ở thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng, cho biết: “Nông dân bây giờ phải có điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo mạng xã hội thì mới cập nhật được thông tin, kiến thức mới, cũng như kết nối thị trường, nhất là sau khi tham gia vào nhóm hợp tác sản xuất CĐS trên cây sen”.
Hình thành chuỗi liên kết bền vững
Trực tiếp tham gia các buổi tập huấn CĐS trên cây trồng, bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, giá trị của CĐS trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là giúp nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi để hòa nhịp xu thế phát triển chung.
“Hiện ngành Nông nghiệp thực hiện kế hoạch CĐS tập trung cho các xã về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, từ đó sẽ chọn những đối tượng cây trồng cụ thể để triển khai.
Trước mắt, chúng tôi chọn cây sầu riêng ở huyện Sông Hinh và cây sen ở huyện Tây Hòa là cây CĐS, với mong muốn giúp nông dân của địa phương mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Điều này sẽ từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng làm những gì thị trường cần, khắc phục tình trạng được mùa rớt giá, hoặc bị ép giá”, bà Thủy cho hay.
Ông Lê Mô Y Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bar, cho biết: “Hiện diện tích sầu riêng trên địa bàn xã đã phát triển hơn 500ha, bà con đang tiếp tục trồng mới, dự kiến đầu năm 2024 nhân rộng lên 1.000ha. Tuy nhiên, quy mô trồng chủ yếu nhỏ lẻ, nông hộ. Việc hướng dẫn nông dân tiếp cận và thực hiện các bước CĐS nông nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp phát triển bền vững cây sầu riêng, giúp phát triển sinh kế lâu dài cho người dân trên địa bàn”.
Tại các buổi tập huấn CĐS mới đây, đại diện các HTX đã bày tỏ, việc CĐS tại HTX sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì phần lớn đội ngũ cán bộ quản lý đều lớn tuổi nên ngại ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, thành viên của các HTX chủ yếu là nông dân, điều kiện và trình độ tiếp cận công nghệ còn hạn chế nên gặp khó trong việc ứng dụng số vào sản xuất.
Theo TS Dương Trọng Hải, Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH hSpace, hầu hết nông dân sản xuất tự do theo kinh nghiệm cá nhân và dẫn dắt bởi các bên bán đầu vào, dẫn tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm, kháng sinh… làm mất an toàn thực phẩm, chất lượng và sản lượng không đáp ứng được chuỗi liên kết giá trị.
“hSpace là giải pháp tối ưu để CĐS nông nghiệp, có thể áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững, để từ những mảnh vườn, ao, chuồng, thành vùng nuôi trồng lớn tiêu chuẩn hóa, chất lượng đồng đều, đáp ứng các rào cản kỹ thuật của các thị trường trên khắp thế giới. Qua hướng dẫn thực tế, tôi kỳ vọng 2 huyện Sông Hinh, Tây Hòa sẽ đi đầu trong thực hiện CĐS nông nghiệp, từ đó sẽ lan tỏa ra các huyện còn lại”, TS Dương Trọng Hải khẳng định.
CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay, nhất là trong việc đồng hành cùng Chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình CĐS quốc gia. Các địa phương, đơn vị, người dân, HTX nông nghiệp cần nắm bắt và áp dụng tốt CĐS vào tổ chức sản xuất, quản lý, điều hành, quảng bá tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả, thích nghi với tình hình phát triển mới.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT |
NGỌC HÂN