Khách du lịch khi nhắc đến Phú Yên, luôn nhớ đến từ khóa “xứ hoa vàng cỏ xanh” và luôn muốn một lần check-in ở phim trường thiên nhiên xinh đẹp này. Đó chính là hiệu ứng mà điện ảnh mang lại cho du lịch, góp phần quan trọng quảng bá, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Poster quảng bá dự án phim chuyển thể Ngày xưa có một chuyện tình. Ảnh chụp lại: QUỲNH MAI |
Năm 2015 phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, giúp du lịch Phú Yên phát triển mạnh mẽ. Những cảm xúc tuổi thơ của nhân vật và hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp nơi đây đã chạm đến trái tim của khán giả. Ngay sau khi phim phát hành, khán giả cả nước chốt lịch đến xứ hoa vàng cỏ xanh.
Mới đây nhất, dự án phim điện ảnh Ngày xưa có một chuyện tình, chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do Trịnh Đình Lê Minh, hãng phim Hoan Khuê (HK Phim) sản xuất, sẽ có bối cảnh quay chính ở Phú Yên.
Sẵn sàng hỗ trợ tối đa
Theo công văn của HK Phim, từ cuối tháng 10 đến 30/11/2023, ê kíp làm phim sẽ khảo sát và hoàn tất công tác chuẩn bị. Phim chính thức bấm máy từ ngày 1/12/2023, dự kiến hoàn thành tiền kỳ vào 30/4/2024.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết sau khi nhận công văn của UBND tỉnh, sở đã họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch làm đầu mối liên hệ với ê kíp làm phim, tham mưu xây dựng kế hoạch phối hợp hỗ trợ, từ việc khảo sát chọn bối cảnh đến những yêu cầu cần thiết trong quá trình quay phim. “Tôi nghĩ đây là một cơ hội, một kênh quan trọng để quảng bá hình ảnh của quê hương, hơn thế là kết nối, quảng bá du lịch Phú Yên đến với khán giả trong nước và quốc tế thông qua bộ phim. Quan điểm của sở là hỗ trợ tối đa trong điều kiện và khả năng của mình”, bà Thái nói.
Không chỉ Sở VH-TT&DL mà các sở, ngành liên quan, các địa phương có bối cảnh được ê kíp làm phim chọn cũng trên quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh sẽ ủng hộ, tạo điều kiện tốt nhất để ê kíp làm phim thực hiện dự án phim Ngày xưa có một chuyện tình.
Khách du lịch trải nghiệm phim trường thiên nhiên của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tại gành Ông - Bãi Xép (xã An Chấn, huyện Tuy An) khi đến Phú Yên. Ảnh: QUỲNH MAI |
Đẹp từ cốt truyện đến bối cảnh
Truyện dài Ngày xưa có một chuyện tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành lần đầu tiên vào năm 2016, với số lượng hơn 10.000 bản bìa mềm và 1.000 bản bìa cứng, được bán hết ngay sau khi ra mắt. Đến nay sách đã tái bản hơn 10 lần.
Ngày xưa có một chuyện tình kể về tình bạn, tình yêu giữa hai chàng trai và một cô gái từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, trước những thử thách của số phận. Một chuyện tình được bạn đọc yêu mến vì sự lãng mạn mà đầy chiêm nghiệm về tình yêu và sự trưởng thành. Bộ ba Phúc, Vinh, Miền (bạn thân, học cùng lớp) đã đi đến tận cùng của một chuyện tình.
Vượt ra khỏi khung trời tuổi thơ, những chuyện tình vu vơ, trong trẻo của tuổi học trò, như một mô-típ mà độc giả thường thấy ở nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Ngày xưa có một chuyện tình dữ dội, day dứt. Nhà văn xứ Quảng đã bứt ra khỏi khuôn khổ, đã cho những mối tình tuổi học trò đó lớn lên, chạm đến “mùi vị cuộc đời”, đã có những nỗi buồn, sự day dứt của trò đánh tráo số phận, khiến 3 người bạn thân trong một mối tình tay ba kéo dài hơn một thập kỷ phải vật lộn, phải đấu tranh với nội tâm của chính họ cho thứ tình yêu đẹp đẽ, cao thượng.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được biết đến là người có lối làm phim chỉn chu, gu thẩm mỹ cao và mạnh về những chi tiết đời thường. Anh đã ra mắt hai phim điện ảnh Thưa mẹ con đi, Bằng chứng vô hình, cùng nhiều phim tài liệu, phim ngắn khác được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao.
Chia sẻ với khán giả trong buổi ra mắt dự án phim Ngày xưa có một chuyện tình, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết: Ngày xưa có một chuyện tình mang phong vị rất riêng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bên cạnh khai thác tinh tế những rung động ở tuổi cập kê, câu chuyện này còn khai thác sâu sắc những lựa chọn và sự trưởng thành trong tình yêu. Đây là câu chuyện rất đỗi dịu dàng nhưng cũng thật dữ dội.
Thiên nhiên Phú Yên tươi đẹp không chỉ thu hút du khách mà còn được nhiều đoàn phim lựa chọn làm bối cảnh cho những dự án của mình. Trong ảnh: Mũi Điện (TX Đông Hòa) nhìn từ trên cao. Ảnh: HUỲNH LÊ VIỄN DUY |
Trước Ngày xưa có một chuyện tình, những câu chuyện tuổi thơ, học trò của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được chuyển thể, lên màn ảnh rộng với các phim cùng tên: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Cô gái đến từ hôm qua (2017), Mắt biếc (2019), được khán giả nồng nhiệt đón nhận.
Khán giả đã định hình và dành tình cảm lớn cho các phim chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đây sẽ là áp lực cho những đạo diễn đi sau. Thế nhưng, Trịnh Đình Lê Minh cho biết anh không áp lực, thậm chí còn hào hứng, bởi mỗi đạo diễn sẽ có cách xử lý riêng, sẽ là những cảm xúc mới mẻ, những trải nghiệm điện ảnh thật sự.
Nhớ lại cách đây mấy năm, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã khiến người xem ồ à lên khi thấy những đại cảnh thiên nhiên, đồng quê, biển khơi của Phú Yên đẹp tuyệt vời. Ngay sau khi ra rạp, phim đã tạo hiệu ứng, thu hút một lượng lớn du khách đến với Phú Yên. Hy vọng, Ngày xưa có một chuyện tình cũng tạo được “hiện tượng” như vậy.
Giám đốc Sở TT&TT Phú Yên Trần Thanh Hưng hào hứng và kỳ vọng: Nếu độc giả đã từng thổn thức với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và ngỡ ngàng với vẻ đẹp hoang sơ của Phú Yên, thì Ngày xưa có một chuyện tình quay tại Phú Yên sẽ tiếp tục mang cảnh sắc Phú Yên đến gần hơn với du khách. |
TRẦN QUỚI