Ngày 2/11, UBND tỉnh tổ chức họp đánh giá tình hình và bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: NAM KHÁNH |
Các đồng chí: Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, năm 2023, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) tỉnh giao là 5.762,6 tỉ đồng. Đến nay đã phân bổ chi tiết cho các địa phương, các chương trình, dự án là 5.276,1 tỉ đồng, đạt 91,6%. Vốn chưa phân bổ là 486,5 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Giá trị giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 tính đến ngày 31/10 là 1.966,4 tỉ đồng, bằng 34,2% kế hoạch vốn trung ương giao và 34,1% kế hoạch vốn tỉnh giao. Dự kiến, giá trị giải ngân đến ngày 31/1/2024 chỉ đạt 75,2% kế hoạch.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh thấp do một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng của nhiều dự án còn chậm. Trữ lượng các mỏ vật liệu đã được cấp phép không đảm bảo nhu cầu; nguồn nguyên vật liệu khan hiếm. Công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 của tỉnh. Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân vốn chương trình còn chậm…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn đánh giá: Đến thời điểm này, tiến độ giải ngân các nguồn vốn còn khá thấp. Tuy nhiên, các địa phương và các chủ đầu tư vẫn cam kết tiến độ giải ngân đạt trên 95%. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị, ưu tiên cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để có mặt bằng bàn giao cho các chủ đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị rà soát, đánh giá trữ lượng các mỏ vật liệu xây dựng thông thường để kịp thời phục vụ đầy đủ cho các công trình trọng điểm. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần quyết liệt rà soát tiến độ thu ngân sách tỉnh, nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất để bố trí cho các dự án; thường xuyên giám sát, kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn của từng dự án.
Trường hợp dự án không thể giải ngân hết vốn, các đơn vị, địa phương kịp thời có văn bản đề xuất điều chuyển vốn sang các dự án khác có khả năng giải ngân nhanh, cần bổ sung vốn.
NAM KHÁNH