Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của ngư dân, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) ở Phú Yên đạt nhiều kết quả. Để tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Thủy sản 2017, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu Phú Yên cần thay đổi quản trị nghề cá, lấy bà con ngư dân làm trung tâm.
Góp phần chống khai thác IUU
Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.930 tàu cá, trong đó có 656 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chuyên khai thác vùng biển khơi. Toàn tỉnh đã thành lập được 119 tổ đội sản xuất trên biển với 926 tàu cá và khoảng 7.945 lao động tham gia, thường xuyên liên kết và tổchức khai thác trên biển. Việc triển khai mô hình tổ đội sản xuất trên biển đã phát huy hiệu quả trong khai thác hải sản và góp phần chống khai thác IUU.
Ngư dân Nguyễn Văn Hùng, chủ tàu cá PY-91009TS, ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cho biết: Tôi là một thành viên của tổ đội sản xuất trên biển Hải Dương. Tổ đội này thành lập năm 2018, đến nay có 11 thành viên, hành nghề khai thác cá ngừ đại dương. Các thành viên thường xuyên hỗ trợ nhau về kinh nghiệm ngư trường, giúp đỡ nhau khi gặp tai nạn trên biển. Khi ra khơi, các thành viên thường xuyên nhắc nhở nhau phải tuân thủ các quy định về khai thác thủy hải sản, không vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài; đoàn kết, hỗ trợ khi gặp tàu lạ và thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng trong bờ để có hướng dẫn xử lý tình huống…
“Khi phát hiện luồng cá, thành viên trong tổ sẽ thông tin cho các thành viên còn lại để cùng tham gia khai thác. Bình quân mỗi năm, một tàu cá của tổ đội Hải Dương vươn khơi từ 6-8 chuyến biển, mỗi chuyến ít nhất 20 ngày, khai thác khoảng 35 tấn hải sản, trong đó khoảng 30 tấn cá ngừ đại dương. Nhờ sự đoàn kết và gắn bó nên từ khi thành lập đến nay, tất cả thành viên của tổ đều hoạt động an toàn, hiệu quả”, ông Hùng cho biết thêm.
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp chống khai thác IUU và khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Đến nay cơ bản các tàu cá trên địa bàn tỉnh có chiều dài từ 15m trở lên khai thác vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác cũng được thực hiện theo đúng quy định. Việc thực thi pháp luật đã được tỉnh thực hiện nghiêm túc, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xử phạt 47 chủ tàu cá với số tiền hơn 800 triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, không có tàu cá của Phú Yên bị nước ngoài bắt giữ.
Lực lượng cảnh sát biển và bộ đội biên phòng tổ chức kiểm tra tàu cá của ngư dân Phú Yên hoạt động trên biển. Ảnh: ANH NGỌC |
Cơ cấu lại ngành Thủy sản
Theo Sở NN&PTNT, Phú Yên đang cơ cấu lại ngành Thủy sản theo hướng tăng tỉ trọng giá trị nuôi trồng, giảm dần tỉ trọng khai thác ven bờ, gắn với chế biến và xuất khẩu. Trong đó, tập trung cơ cấu lại thuyền nghề theo hướng giảm tàu khai thác ven bờ, hiện đại hóa đội tàu khai thác vùng khơi có chiều dài từ 15m trở lên, gắn với chuyển đổi nghề khai thác phù hợp với hạn ngạch từng vùng.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Tỉnh đang tổ chức các hình thức hợp tác, liên kết, nghiệp đoàn trong khai thác thủy sản trên biển và xây dựng các HTX, chuỗi liên kết ngành hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, tạo điều kiện để ngư dân bám biển sản xuất kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nhân chuyến công tác ở Phú Yên mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Luật Thủy sản 2017 đã bao hàm tất cả các khuyến nghị của EC. Nếu chấp hành tốt các quy định của Luật Thủy sản sẽ không có chuyện vi phạm khai thác IUU. Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Phú Yên tiếp tục tuyên truyền bà con ngư dân thay đổi nhận thức và hành vi; tập trung khắc phục các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, chấp hành nghiêm Luật Thủy sản 2017. Để kiểm soát chặt chẽ tàu cá trong khi nguồn lực có hạn, Phú Yên cần liên kết các cảng cá chỉ định với cảng cá không chỉ định bằng công nghệ thông tin, trong khi chưa hiện đại hết các cảng cá.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay nguồn lợi thủy sản trên biển ngày càng suy giảm, Chính phủ đã có chủ trương giảm khai thác, tăng nuôi trồng, do đó sẽ giảm số lượng tàu khai thác. Do vậy, Phú Yên cần tập trung đầu tư trang thiết bị cho tàu cá, nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tạo ra những chuỗi sản xuất giá trị gia tăng. Phú Yên cần đầu tư phát triển nuôi biển và tập trung nghiên cứu chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản ổn định và hiệu quả.
Đối với nghiệp đoàn nghề cá, tổđội sản xuất trên biển, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần phải tổ chức lại mô hình sản xuất, làm sao các thành viên trong tổ gắn bó mật thiết với nhau cả trên biển lẫn trên bờ. Đồng thời tăng cường mối liên kết giữa ngư dân, các chủ nậu vựa với ban quản lý cảng cá; chính quyền địa phương cần gần gũi, thân thiện hơn. Để làm được những vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần phải thay đổi quản trị nghề cá, lấy bà con ngư dân làm trung tâm.
Luật Thủy sản 2017 đã bao hàm tất cả khuyến nghị của EC. Nếu chấp hành tốt các quy định của Luật Thủy sản 2017 sẽ không có chuyện vi phạm khai thác IUU.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan |
ANH NGỌC