Ngày 25/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất rừng trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẬT HUY |
Đồng chí Đào Bảo Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cùng lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra, các ban HĐND tỉnh, các sở ngành, địa phương liên quan tham dự.
Theo Sở TN&MT, thời gian qua, công tác quản lý đất lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến. Tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 258.945ha; trong đó, đất rừng sản xuất 132.860ha, đất rừng phòng hộ 108.453ha, đất rừng đặc dụng 17.632ha.
Hiện các ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đang quản lý và sử dụng khoảng 125.320ha, còn lại là diện tích do các địa phương quản lý, diện tích của hộ gia đình, cá nhân và của một số tổ chức được giao, cho thuê để trồng rừng.
Công tác rà soát đất lâm nghiệp được Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện theo đúng quy định.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc giao đất còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng tranh chấp, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Lực lượng kiểm lâm còn thiếu hụt trong khi diện tích rừng rộng lớn, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nguồn nhân lực, kinh phí tại các địa phương còn hạn chế...
Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn đề nghị các sở ngành, địa phương tiếp tục phối hợp xây dựng kế hoạch và có giải pháp cụ thể để rà soát, đo đạc, xác định diện tích đất lâm nghiệp cho phù hợp với thực tế đang sử dụng, tránh trường hợp chồng lấn, nhanh chóng tích hợp được bản đồ rừng với bản đồ đất đai.
Đồng chí Tạ Anh Tuấn cũng đề nghị các địa phương phải rà soát, xác định rõ diện tích và vị trí giao đất cho dân, ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, UBND xã đang quản lý; tăng cường vận động, tuyên truyền, giúp người dân hiểu việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có xác nhận của chính quyền địa phương là trái với quy định của Luật Đất đai năm 2013…
NHẬT HUY