Sáng 22/9, tại TP Tuy Hòa, Bộ NN&PTNT và Ban Chấp hành Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường Việt Nam.
Các đồng chí Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT); Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam; đại diện các cục, tổng cục trực thuộc các bộ NN&PTNT, Công Thương; các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum, Trà Vinh... tham dự hội thảo.
Đại biểu tỉnh Phú Yên có đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cùng đại diện các ngành, địa phương, doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn.
Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, mía đường là một trong những ngành sản xuất chủ lực của nền nông nghiệp nước ta, là mặt hàng quan trọng đối với an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng. Những năm qua, ngành Mía đường Việt Nam tuy có cơ hội phát triển nhưng thách thức, khó khăn cũng nhiều. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Mía đường Việt Nam, vấn đề về giống, canh tác, công nghệ chế biến… cần được đầu tư theo đúng định hướng.
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: VÕ PHÊ |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ cho biết, ngành Mía đường Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức, sức cạnh tranh còn thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do quy hoạch, phân bổ đất đai còn manh mún, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Việc áp dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng chậm được cải thiện. Cơ chế, chính sách, công tác kiểm soát thị trường, giá cả chưa đồng bộ, chặt chẽ, còn bị ảnh hưởng lớn bởi tác động từ bên ngoài.
Đồng chí Lê Tấn Hổ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia tích cực đề xuất những giải pháp hiệu quả để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững ngành Mía đường cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng.
Đánh giá về hiện trạng năng lực cạnh tranh và định hướng phát triển ngành Mía đường trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc thông tin, trong khối ASEAN, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia chính sản xuất đường từ mía. Năng suất trồng mía của Việt Nam thuộc loại khá so với các nước, giá mía cũng liên tục tăng trong các niên vụ gần đây. Tuy nhiên, giá đường Việt Nam ở mức thấp nhất so với các quốc gia trồng mía.
Mô hình phun thuốc bằng máy bay (drone) được giới thiệu bên lề hội thảo. Ảnh: VÕ PHÊ |
Những giải pháp cần thiết để ngành Mía đường trong nước phát triển bền vững đó là củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, sản xuất thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, áp dụng công nghệ mới trong phát triển sản xuất mía đường.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất mía đường đã giới thiệu những giống mía mới, giải pháp công nghệ mới, mô hình sản xuất mía hiệu quả tại các doanh nghiệp, địa phương; trong đó có mô hình sản xuất giống mía sạch bệnh 3 cấp, công nghệ drone trên cánh đồng mía, hệ thống bốc hơi falling film tự động để nâng cao năng suất, hiệu quả tại các nhà máy đường, giải pháp dinh dưỡng cho cây mía…
VÕ PHÊ