Trên địa bàn tỉnh có những HTX chuyên phục vụ sản xuất nông nghiệp và những HTX vừa phục vụ sản xuất, vừa kinh doanh dịch vụ. Dù hoạt động thế nào, qua thực tế cho thấy HTX nào làm nhiều dịch vụ thì HTX đó có nhiều cơ hội tồn tại; còn HTX chỉ làm một dịch vụ thường không thể trụ vững khi gặp biến cố.
Bài học còn đó
HTX Song A (TX Sông Cầu) từng là đơn vị kinh tế tập thể tiên phong của tỉnh chuyên về hoạt động thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Thậm chí HTX này còn được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ vốn vay ưu đãi để mua sắm trang thiết bị. Nhưng chỉ tồn tại được vài năm, HTX buộc phải ngừng hoạt động. Ngoài nguyên nhân do mưa bão làm hư hại phương tiện, còn là vì HTX không có thêm nguồn thu từ bất kỳ hoạt động nào khác để bù lỗ khi gặp rủi ro. Ngừng hoạt động hơn chục năm nay, nhưng HTX này vẫn không giải thể được vì còn nợ. Theo đại diện HTX, chi phí cho công nhân, bảo dưỡng máy móc lớn, trong khi đơn vị chỉ có nguồn thu duy nhất từ phí vệ sinh môi trường nên gặp nhiều khó khăn. Tới năm 2009, do ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, máy móc hư hỏng nặng, trong khi HTX không có kinh phí để tái đầu tư nên phải ngừng hoạt động. HTX mới chỉ thanh toán được nợ gốc cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam, còn lãi không thể trả được.
Còn với HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa), trước khi làm hàng gỗ mỹ nghệ như hiện nay, HTX từng chỉ làm hàng mây tre đan xuất khẩu. Tới khi thị trường không chuộng nữa, HTX gặp không ít khó khăn. Ông Lương Tấn Thái, Giám đốc HTX này, cho biết: Xuất phát điểm từ hàng mây tre nên khi có được hợp đồng bao tiêu từ đối tác nước ngoài, HTX chỉ tập trung cho sản phẩm này. Tới khi thị trường không còn nhu cầu, HTX thực sự rơi vào khó khăn. Nhiều HTX mây tre lúc đó của tỉnh cũng rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng và tới nay không còn duy trì được nữa. “Nhờ kịp thời tiếp cận mặt hàng gỗ mỹ nghệ và thiết lập các mối quan hệ để có đơn hàng mới, HTX mới duy trì được tới nay. Hiện gỗ mỹ nghệ là mặt hàng chủ lực của HTX, nhưng HTX luôn sẵn sàng sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ khác khi có đơn hàng”, ông Thái nói.
Hiệu quả từ chuỗi dịch vụ bổ trợ
Mọi người biết nhiều tới thành công của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) với 9 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Nhưng ít ai biết, HTX này còn nhiều dịch vụ khác và chính nhờ các dịch vụ này bổ trợ mới tạo được thành công như hôm nay.Chia sẻ về sự tương hỗ giữa các dịch vụ, ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din, cho biết: Nhờ làm tốt dịch vụ chế biến rau củ quả nên các sản phẩm nông sản của HTX như: lá giang sấy, khóm sấy, khóm tươi, sung Mỹ sấy dẻo, măng sấy… luôn đạt chất lượng tốt khi ra thị trường. Cùng với đó, dịch vụ thu gom, xử lý rác thải giúp HTX có cơ hội tiếp cận công nghệ xử lý chất thải hữu cơ và cho ra đời nước rửa chén, nước lau sàn sinh học từ phế phẩm nông sản sau chế biến. Làm dịch vụ chăm sóc và thiết kế kiến trúc cảnh quan tạo cơ hội cho HTX có thêm hoạt động mới đó là du lịch nông nghiệp trải nghiệm khi biến vùng sản xuất thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. “Nếu chỉ chờ vào bán sản phẩm, nguồn thu sẽ không ổn định vì thị trường biến động không ngừng. Có thêm các dịch vụ vừa tạo nguồn thu duy trì hoạt động, vừa có kinh phí tái đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu càng cao của khách hàng”, ông Chương nhấn mạnh.
Từng chuyên phục vụ sản xuất nông nghiệp với các dịch vụ truyền thống như: cày đất, tuốt lúa, thu hoạch…, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An) mở thêm các dịch vụ kinh doanh như bán lẻ xăng dầu, vệ sinh môi trường... Năm qua, các dịch vụ mang lại cho HTX tổng doanh thu 13,5 tỉ đồng, đạt lợi nhuận 300 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX này, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp có tạo doanh thu, nhưng lợi nhuận không cao. Nếu cân đối không tốt, HTX có thể sẽ lỗ vì nhiều khoản chi như đầu tư máy móc, bảo dưỡng, tiền lương công nhân…, trong khi thu phí dịch vụ của bà con thường chỉ thu đủ bù chi. Các dịch vụ kinh doanh có lợi nhuận cao và không có nợ đọng là nguồn vốn giúp hỗ trợ duy trì các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhiều HTX trong tỉnh đang hướng tới đa dịch vụ bằng cách đầu tư máy móc trang thiết bị, vừa phục vụ sản xuất, chế biến cho HTX, vừa mở ra cơ hội làm thêm cho bà con. Đồng thời, các HTX tạo sản phẩm, liên kết kinh doanh để tạo việc làm, tăng thu nhập cho HTX và hộ thành viên. Phương án đa dịch vụ để dịch vụ này bổ trợ cho dịch vụ kia là cách làm hiệu quả tạo nguồn thu, duy trì hoạt động cho HTX.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
BẠCH VÂN