Từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của nông - ngư dân, những năm gần đây, huyện Sông Cầu xuất hiện nhiều mô hình, cá nhân điển hình, tiêu biểu.
Thu hoạch tôm hùm ở Sông Cầu – Ảnh: N.LƯU
Tại các làng biển của Sông Cầu, nhiều hộ dân đã biết vượt lên khó khăn để làm ăn có hiệu quả. Tiêu biểu như hai gia đình anh Nguyễn Cư và chị Trần Thị Hiền ở thôn Phú Dương (xã Xuân Thịnh), đều là những hộ nghèo, sau 8 năm vượt khó nuôi trồng thủy sản, hiện đã có vài ngàn con tôm hùm/hộ.
Bên cạnh đó, anh Cư, chị Hiền còn cung cấp thức ăn cho người nuôi tôm hùm quanh vùng, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Đâu ở thôn 4, xã Xuân Hải, từ một người nuôi tôm sú bị thất bại nặng, ông đã rút kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi. Nhờ vậy, trong 3 vụ nuôi từ 2004 đến 2006, ông Đâu lãi 20 triệu, 30 triệu rồi 50 triệu đồng/vụ
Trong sản xuất nông nghiệp cũng xuất hiện những điển hình nổi bật. Tại thôn Thạch Khê, xã Xuân Lộc, gia đình anh Lê Công Trường thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp có hiệu quả kinh tế rõ rệt. Năm 2004, Sông Cầu có chủ trương hỗ trợ 100% cây giống điều cao sản cho nông dân.
Anh Trường vừa tập trung cải tạo và chăm sóc 4 ha vườn điều cũ, vừa nhận cây giống của huyện hỗ trợ để trồng mới 3 ha điều ghép. Trên diện tích trồng điều, anh trồng xen chuối, thơm, đu đủ, các loại cây ăn quả khác, lấy ngắn nuôi dài. Hai năm 2004-2005, anh Trường thu hoạch được 5 tấn hạt điều với giá bán 10.000 đồng/kg, thu 50 triệu đồng. Năm 2006-2007, điều bị bệnh rầy đen phá hoại, sản lượng thu hoạch thấp; nhưng nhờ cây chuối, cây đu đủ, anh Trường vẫn có thu nhập khá.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình chăn nuôi bò lai sind có hiệu quả của ông Nguyễn Hữu Tài, ông Trương, ông Đại, ông Quốc, ông Oai… ở xã Xuân Lộc đã mang lại thu nhập cao, góp phần đưa tỉ lệ sind hóa đàn bò của Xuân Lộc dẫn đầu huyện Sông Cầu.
Theo thống kê mới nhất của Hội Nông dân huyện Sông Cầu, toàn huyện hiện có 12.979 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 251 hộ nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương; 1.190 hộ nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, 4.425 hộ nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và 7.113 hộ nông dân sản xuất giỏi cấp cơ sở.
Để có được kết quả đáng phấn khởi như vậy, nông dân huyện Sông Cầu nhờ nhiều vào nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện theo Nghị quyết liên tịch 2308 giữa Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Hội Nông dân.
Ở Sông Cầu, hàng ngàn lượt nông dân đã được vay vốn này với tổng số tiền trên 1.056 tỉ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, 11,3 tỉ đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội... Có vốn, người dân đã đầu tư hiệu quả vào các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản, nâng cấp, cải hoán phương tiện nghề cá, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống tại địa phương… Nông – ngư dân Sông Cầu cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh…
Một điều đáng ghi nhận là qua phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, huyện Sông Cầu đã giải quyết việc làm cho phần lớn lao động tại địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, ven biển, giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng tỉ lệ hộ giàu, khá…
KIỀU BA