Từ 20 giờ ngày 27-4 giá xăng đã bất ngờ thêm 1.500 đồng dầu tăng thêm 500 đồng. Quyết định tăng giá xăng, dầu của Bộ Thương mại đã gây “sốc” cho người tiêu dùng, nhiều loại hình kinh doanh rơi vào bối rối, riêng dịch vụ kinh doanh vận tải và tàu đánh bắt xa bờ đang chịu nhiều ảnh hướng nhất. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp cho biết đang cố gắng tìm mọi giải pháp tối ưu để giảm bớt thua lỗ trước mắt.
Giá xăng tăng khiến nhiều người dân lo lắng
Sáng 28-4 không khí mua bán tại các cửa hàng, đại lý bán xăng dầu trên địa bàn TP Tuy Hòa vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khi hỏi về tác động của việc tăng giá xăng dầu, hầu hết khách hàng đều cho rằng bị bất ngờ và không đồng tình vì hoàn toàn trái ngược với cam kết của của Bộ Thương mại trước đó hai ngày. Hầu hết người tiêu dùng đều tỏ ra lo lắng vì cho rằng tình hình này đẩy chi phí sản xuất tăng cao tác động đến hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến đời sống của đại bộ phận người dân. Ông Phạm Văn Chất, Trưởng điều hành Công ty TNHH Trân Bảo Trân tại Phú Yên nói: “Chúng tôi quá bất ngờ, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì không thể điều chỉnh tăng cước ngay được. Đối với nhiều ngành và nhiều đơn vị khác, xăng dầu tăng giá còn có thể thực hiện chính sách tiết kiệm, còn đối với ngành vận tải hành khách khó có thể tiết kiệm xăng dầu được do phần lớn phải hoạt động theo tuyến cố định, lịch trình cụ thể…vì thế, doanh nghiệp đành phải chịu tình cảnh “thắc lưng buộc bụng”.
Trong vòng hơn 2 năm, (từ tháng 2-2004 đến tháng 4-2006) nhà nước đã 6 lần tăng giá xăng dầu. Cụ thể: tháng 2-2004 giá xăng 92 tăng từ 5.600 đồng/lít lên 6.000 đồng/lít, tháng 4 sau nâng lên 7.000 đồng/lít, tháng 11 nâng lên 7.500 đồng/lít, tháng 3/2005 là 8.000 đồng/lít, tháng 7 là 9.500 đồng/lít. Hiện nay, xăng dầu tại thị trường Phú Yên được áp giá như sau: Giá xăng RON 95 là 11.520 đồng/lít, xăng 92 là 11.220 đồng/lít; giá dầu tăng 500 đồng/lít: dầu diesel và dầu hỏa cùng tăng lên 8.500 đồng/lít.
Doanh nghiệp vận tải Thuận Thảo hiện có trên 87 đầu xe khách và trên 80 đầu xe tải hoạt động hầu hết các tuyến trong cả nước cũng đang nằm trong tình cảnh tương tự. Ông Lê Đức Thuận, Giám đốc vận tải hành khách của doanh nghiệp Thuận Thảo cho biết: “Bình thường giá vé hành khách loại 1 từ Tuy Hoà đi TP. HCM là 130.000 đồng, nhưng việc tăng giá xăng dầu như thế này thì chuyện thua lỗ là không tránh khỏi. Nếu cứ tiếp tục áp dụng theo khung giá vé cũ như hiện nay thì ước tính mỗi tháng doanh nghiệp sẽ thiệt hại từ 300 – 400 triệu đồng.
Việc tăng giá xăng dầu đột ngột lần này cũng đang gây khó khăn lớn đối với những ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ ở vùng biển Phú Yên cũng lo lắng. Nhiều chủ tàu đành ở làng biển Phú Câu, phường 6 (TP Tuy Hoà) cho biết, tình trạng này họ có thể cho tàu nằm… bờ dù đang vào mùa khai thác cao điểm. “Khó khăn lại chồng lên khó khăn” – chủ tàu Nguyễn Văn Thu ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hoà) than thở như vậy. Ông Thu cho biết thêm: Với những tàu lớn khai thác ở nhiều ngư trường xa, chi phí cho mỗi chuyến đi dài ngày trên dưới 40 triệu đồng, nay khoảng chi phí này tăng thêm khoảng 10 triệu đồng nữa. Đó là chưa kể giá nhiều loại vật tư, thực phẩm, dịch vụ hậu cần…đều có nguy cơ tăng theo giá xăng dầu. Đó là tình cảnh chung của hơn 600 chủ tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Yên trước việc xăng dầu tăng giá hiện nay. Điều oái ăm là giá xăng dầu đã tăng 6 lần kể từ năm 2004, nhưng giá sản phẩm thủy sản từ đánh bắt xa bờ giá lại không tăng mấy. Điều này khiến nghề đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên chỉ có con đường bị lỗ hoặc huề vốn.
Trong khi đó, thị trường các loại mặt hàng tiêu dùng ở TP Tuy Hoà cũng đang rục rịch tăng. Mặt hàng trái cây, thịt, cá bán nhích giá hơn từ 500 – 1000 đồng/kg so với trước khi tăng giá xăng dầu.
QUANG THUẦN – MINH NGUYỆT