Hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn trong mùa mưa bão là mục tiêu được ngành Điện Phú Yên chú trọng. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Lê Minh Trung, Phó Giám đốc Điện lực Phú Yên cho biết:
Công nhân Chi nhánh điện trung tâm (Điện lực Phú Yên) thay thế một đường dây điện ở TP Tuy Hòa - Ảnh: H.TRUNG
Với đặc thù của một ngành mà hầu hết tài sản nằm ngoài trời, trải rộng từ miền núi đến đồng bằng, vùng trũng thấp ven biển và thường bị chia cắt khi xảy ra bão lụt. Vì vậy, từ tháng 5/2008, Điện lực Phú Yên đã triển khai công tác kiểm tra tất cả các vị trí xung yếu trên lưới điện (những vị trí trong điều kiện bình thường đảm bảo an toàn nhưng khi lụt bão xảy ra có thể bị sạt lở móng cột, ngã đổ cột, ngập lụt gây hư hỏng thiết bị điện,…) gồm các vị trí đường dây vượt sông, suối, trên các triền đồi dốc; kiểm tra định kỳ các trạm biến áp, công tơ,… nằm trong các khu vực dễ bị ngập lụt. Đặc biệt đối với các đường dây quan trọng như đường dây trục chính, đường dây nằm trong phương án cấp điện dự phòng khi có sự cố nguồn để phát hiện các tồn tại lớn trên lưới và kịp thời củng cố, xử lý trước khi mùa mưa bão đến. Tiến hành xử lý những tồn tại như vi phạm hành lang tuyến, dây néo đứt, cột nghiêng, mất tiếp địa…
-
Cùng với việc kiểm tra lưới điện, các đơn vị trực thuộc còn tổng kiểm tra hệ thống viễn thông điện lực như tuyến cáp quang, trạm BTS, cột ăng-ten,… nhằm đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ sản xuất kinh doanh cho khách hàng khi xảy ra bão lụt.
Đối với lưới điện nông thôn ở một số địa phương chưa bàn giao cho ngành Điện quản lý, do năng lực quản lý của các tổ chức điện nông thôn còn hạn chế trong khi lưới điện lại xuống cấp và mất an toàn nên Điện lực Phú Yên chủ động phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý những điểm mất an toàn, phát quang hành lang tuyến. Bên cạnh đó, điện lực cũng đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão (PCLB) để nâng cao khả năng xử lý các tình huống trước, trong và sau bão. Mỗi chi nhánh điện đều thành lập tổ xung kích, thường xuyên trực và xử lý nhanh các sự cố để kịp thời cấp điện trong thời gian sớm nhất.
* Ngành Điện có những phương án cụ thể nào để kịp thời cấp điện ở những vùng thường bị chia cắt khi xảy ra bão lụt?
- Phương án 4 tại chỗ gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và vật tư tại chỗ đang được các đơn vị chú trọng. Đối với những vùng (nhất là ở các huyện miền núi) thường bị chia cắt do sạt lở, tắc đường, ngập lụt thì các chi nhánh điện được trang bị máy phát điện dự phòng để phục vụ công tác chỉ đạo PCLB. Trong trường hợp mất điện toàn bộ khu vực, nguồn điện này đủ phục vụ Ban chỉ huy PCLB của các huyện trong việc điều hành, thông tin liên lạc. Nếu xảy ra bão lụt, ngành điện cố gắng cấp điện trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn tài sản cũng như tính mạng của người dân.
* Ngành điện có đầu tư, củng cố gì thêm cho các công trình điện để đảm bảo cấp điện hiệu quả, an toàn trong suốt mùa mưa bão, thưa ông?
- Để việc cấp điện được an toàn liên tục trong mùa mưa bão, Điện lực Phú Yên đã triển khai chương trình sửa chữa lớn lưới điện với kinh phí 6 tỉ đồng. Chương trình này đã thực hiện từ năm 2007 và đến cuối tháng 10 này sẽ hoàn tất, trong đó tập trung sửa chữa, thay các kết cấu hỏng, xà, sứ, một số cột điện, dây dẫn… ở cả lưới điện trung áp và hạ áp của tất cả 9 huyện, thành phố. Ngoài ra, ngành điện cũng đang thi công nâng thêm công suất 20 trạm biến áp trên toàn tỉnh lên 2.500 KVA nhằm đảm bảo cung cấp điện cho dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và mùa khô năm 2009.
* Xin cảm ơn ông!
BÍCH HÀ (thực hiện)