Điều ở nhiều nơi được người dân đầu tư, chăm sóc, nhưng ít ra quả khiến họ nản lòng - Ảnh: K.LIÊN |
Hai năm qua, cây điều của nông dân trồng ở xã
Sông Cầu là huyện được chú trọng thành lập các vùng dự án trồng điều. Theo chương trình hành động của Huyện ủy Sông Cầu, từ năm 2006 -2010, địa phương này trồng mới 2.200 ha điều. Thế nhưng đến nay, trải qua nửa chặng đường, toàn huyện chỉ trồng được 400 ha. Nguyên nhân là vì nông dân không mặn mà với cây điều nên hằng năm không đăng ký trồng mới. Theo dự báo của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Sông Cầu, với tốc độ như hiện nay thì đến năm 2010, phấn đấu lắm huyện này cũng chỉ trồng khoảng 500-600 ha điều.
So với giống cây điều hiện có ở địa phương thì cây điều ghép của dự án phân bổ về huyện Sông Cầu rút ngắn thời gian sinh trưởng. Theo quy trình kỹ thuật, sau khi trồng được hai năm, điều sẽ ra trái. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, còn thực tế, cây điều được trồng ở các vùng Hảo Danh, Hảo Nghĩa (xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu) đã ba năm mà vẫn chưa ra trái. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Văn Xướng, cán bộ phụ trách nông - lâm nghiệp của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Sông Cầu nói: “Do cây điều trồng trên các vùng đồi núi cao, không có điều kiện chăm sóc như tưới nước, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật nên chậm ra hoa kết trái. Chúng tôi đã đi kiểm tra thực tế các vùng trồng điều, đa số cây điều trồng ở các khu vực núi cao không có đường vận chuyển nên khó đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật”.
Ông Trần Văn Huệ ở thôn Hảo Danh, cho biết: “Ở đây khan hiếm nước, mùa khô người dân phải đi gánh về dùng thì lấy nước đâu tưới cây”. Chính vì yêu cầu về mặt kỹ thuật vượt quá khả năng của người trồng điều nên thời gian gần đây ít có hộ nông dân hưởng ứng trồng cây điều.
Cũng theo chương trình hành động của Huyện ủy Sông Cầu, từ năm 2006-2010, huyện Sông Cầu cải tạo 500 ha điều bị lão hóa, thay thế giống điều hiện có ở địa phương năng suất thấp bằng cây điều ghép. Thế nhưng nhiều hộ nông dân sau khi đốn hạ vườn điều cũ thì chuyển sang trồng các loại cây khác mà theo nhiều người là sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn. Ông Phạm Ngọc Xuân ở xã Xuân Thọ 2 đã đốn bỏ 2 ha điều để chuyển sang trồng cây bạch đàn, keo lá tràm.
Cây điều ở huyện Đồng Xuân cũng không được chú trọng. Gần đây, trong các báo cáo tổng kết của ngành nông nghiệp cũng như các xã, thị trấn của huyện này ít đề cập đến việc phát triển cây điều. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân, năm 2004 toàn huyện trồng 320,13 ha điều ghép, năm 2005 giảm xuống còn 287,6 ha. Còn từ năm 2006 đến nay rất ít hộ nông dân đăng ký trồng cây điều ghép. Ông Trương Hoài Bắc ở xã Xuân Sơn Bắc nói: “Trồng điều sau 3 năm vẫn chưa ra trái, chiếm đất, vừa qua tôi chặt bỏ”.
Hiện nay ở các huyện Sông Cầu, Đồng Xuân, Sơn Hòa, các vườn điều của nông dân đang mất dần, chỉ còn vườn điều của các công ty, tổ chức trồng theo quy mô dự án.
MẠNH HOÀI