Hội chợ triển lãm Công nghiệp - Thương mại Phú Yên năm 2023 được ngành Công Thương phối hợp với Công ty CP Xúc tiến thương mại và Quảng cáo Quốc tế (Công ty CIAT) tổ chức từ ngày 13-19/7 tại TP Tuy Hòa. Các sản phẩm của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sản phẩm OCOP của tỉnh thu hút sự quan tâm của khách tham quan.
Hơn 200 gian hàng tiêu chuẩn
Ông Đặng Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CIAT cho biết: Hội chợ triển lãm Công nghiệp - Thương mại Phú Yên năm 2023 có 90 doanh nghiệp đăng ký tham gia trưng bày hơn 200 gian hàng tiêu chuẩn, trong đó có 44 doanh nghiệp của Phú Yên với 36 gian hàng. Ngoài các sản phẩm gia dụng, hàng mộc, thủ công mỹ nghệ, may mặc, giày dép, giống cây trồng, thực phẩm chế biến…, hội chợ còn có sản phẩm đặc trưng, OCOP của các tỉnh Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Định, Khánh Hòa...
Các cơ sở chăm chút, sắp xếp sản phẩm tại quầy trưng bày. Ảnh: VÕ PHÊ |
Cũng như mọi năm, hội chợ năm nay được tổ chức vào tháng 7 để phục vụ nhu cầu tham quan mua sắm, tiêu dùng của người dân trong tỉnh. Do đó, Ban tổ chức hội chợ đã quán triệt các đơn vị tham gia chấp hành đúng quy định, trưng bày hàng hóa đạt chuẩn, có niêm yết giá... Ban tổ chức cũng bố trí Tổ trực, giám sát thường xuyên để kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị tham gia.
Theo ghi nhận của phóng viên, số doanh nghiệp, gian hàng trưng bày tại hội chợ triển lãm năm nay ít hơn mọi năm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hội chợ bố trí, trưng bày nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các hộ sản xuất thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Phú Yên. Cụ thể, trong số 44 doanh nghiệp của tỉnh có 7 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm, hạt mắc ca, trà dung, gạo đỏ… và 28 đơn vị có sản phẩm OCOP 3, 4 sao của tỉnh như rượu chuối hột, bột ngũ cốc, hạt sen, sản phẩm mây, tre, cói, dầu phộng, mắm thơm…
Sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu đến khách tham quan. Ảnh: VÕ PHÊ |
Giới thiệu sản phẩm đặc trưng
Bà Phạm Thị Bích Thủy, chủ cơ sở chế biến các sản phẩm từ hạt sen (phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa) cho hay: Sản phẩm của chúng tôi đạt OCOP 3 sao, cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn/tháng. Để có được lượng tiêu thụ ổn định, tôi đã tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Đến với Hội chợ triển lãm Công nghiệp - Thương mại Phú Yên năm 2023, tôi tiếp tục học tập kinh nghiệm, cách thiết kế nhãn mác, đóng gói của các cơ sở khác, từ đó hoàn thiện sản phẩm của mình.
Còn theo bà Lù Minh Uyển, cán bộ HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), năm nay, ngoài vải thổ cẩm, trang phục của người đồng bào, chị em trong Tổ dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh) còn làm thêm ví, túi thơm, khăn choàng… để tham gia trưng bày tại hội chợ. Chị em mong muốn giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với người dân, du khách và tìm nguồn tiêu thụ ổn định.
Gian hàng trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) thu hút rất đông người xem. Ảnh: VÕ PHÊ |
Thích thú khi được tham quan khu trưng bày sản phẩm của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, ông Lâm Bách (TP Tuy Hòa) nói: Tôi ấn tượng với các khu trưng bày sản phẩm của người dân vùng đồng dân tộc thiểu số, miền núi. Sản phẩm của người đồng bào đa phần được làm thủ công, mộc mạc, mang nét đặc trưng. Tôi nghĩ, hội chợ này là cơ hội tốt để mọi người biết thêm về các sản phẩm này, rồi kết nối, tiêu thụ sản phẩm của người dân miền núi quê mình.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trước khi tổ chức hội chợ, Sở Công Thương đã trực tiếp đến các cơ sở nắm bắt quy trình sản xuất, vận động chủ cơ sở tham gia trưng bày sản phẩm. Sở cũng đã chỉ đạo Trung Tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng Phú Yên phối hợp với đơn vị tổ chức sự kiện tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, bố trí khu vực riêng biệt dành riêng cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nhất là sản phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Ngành Công Thương mong muốn qua hội chợ lần này, người tiêu dùng sẽ biết được nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh, từ đó tăng cường tiêu thụ sản phẩm địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Bích |
VÕ PHÊ