Thứ Bảy, 23/11/2024 08:36 SA
Thông điệp của Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thiên Tân
Thứ Hai, 26/06/2023 17:35 CH

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab (bên trái) và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Børge Brende. Ảnh: TTXVN

Hội nghị thường niên lần thứ 14 các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), còn được gọi là "Diễn đàn Davos mùa Hè" diễn ra tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc (WEF Thiên Tân) từ ngày 27 đến 29/6.

 

Với chủ đề “Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu", hội nghị nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế và thu hút sự tham dự của khoảng hơn 1.500 đại biểu là các nhà lãnh đạo, đại diện các giới chính trị, kinh tế, học thuật, các tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế tham dự.

 

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên Các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF tổ chức tại Thiên Tân (Trung Quốc) lần này cho thấy Việt Nam đang trở thành một đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực định hình tương lai, đồng thời là điểm đến được các doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt các thành viên của WEF đánh giá cao.

 

Dấu ấn của Việt Nam tại WEF

 

WEF (World Economic Forum) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.

 

Hằng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu.

 

Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF được khởi đầu từ năm 1989, đúng vào thời điểm quá trình đổi mới kinh tế bắt đầu. Đây là diễn đàn đối thoại quan trọng của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới, giúp gợi mở các ý tưởng về cải cách kinh tế, đồng thời mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế trong nước. Trong 34 năm qua, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của WEF tại Davos, Thụy Sĩ và Đông Á.

 

Việt Nam đã 4 lần tham dự Hội nghị WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (vào các năm 2007, 2010, 2017 và 2019) và thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng; 5 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) ở cấp Thủ tướng Chính phủ (vào các năm 2012, 2013, 2014, 2017 và 2018) và các năm khác thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng Chính phủ…

 

Việt Nam luôn thể hiện sự năng động, tích cực đề xuất những ý tưởng mới, triển khai những kế hoạch hợp tác thiết thực. Dấu ấn nổi bật của Việt Nam là đã phối hợp cùng với WEF tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới khu vực Đông Á năm 2010 tại TP Hồ Chí Minh; Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới khu vực Mekong năm 2016 tại Hà Nội; Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018; Đối thoại Chiến lược Quốc gia Việt Nam-WEF lần thứ nhất (trực tuyến) vào tháng 10/2021.

 

Việc tăng cường hợp tác qua các chương trình, dự án và tham dự các hội nghị của WEF, phối hợp tổ chức thành công các sự kiện đã góp phần giúp Việt Nam thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước, tăng cường quan hệ với các tập đoàn toàn cầu, cập nhật những xu thế mới, tư duy phát triển - quản trị tiên tiến.

 

Tham dự hội nghị với vai trò là đối tác tin cậy, thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp, phối hợp với các đối tác quốc tế giải quyết những vấn đề toàn cầu nhằm duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới.

 

Đây là dịp để Việt Nam chia sẻ, trao đổi với lãnh đạo, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, học giả hàng đầu trên thế giới về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác, qua đó góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

 

Động lực của kinh tế toàn cầu và thông điệp của Việt Nam

 

WEF Thiên Tân là hội nghị có quy mô lớn thứ hai sau WEF Davos (Thụy Sĩ). Hội nghị lần này với chủ đề là: "Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu" đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, chịu tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới.

 

Vấn đề các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu vốn đã gặp không ít trở ngại, khó khăn từ đại dịch COVID-19 đến nay tiếp tục là vấn đề gây quan ngại khắp thế giới, là một nhân tố cản trở quá trình hồi phục, phát triển của kinh tế các khu vực cũng như toàn cầu.

 

Theo Ban tổ chức, mục tiêu cốt lõi của Hội nghị thường niên Các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF là kích thích động lực sáng tạo và tinh thần kinh doanh ở khu vực châu Á và trên thế giới. Từ đó, nhằm tìm ra con đường phục hồi, phát triển kinh tế lành mạnh và bền vững, cùng với đó là đánh giá triển vọng kinh tế của Trung Quốc cũng như cả khu vực châu Á.

 

Hội nghị lần này có hơn 100 phiên họp, tập trung vào các vấn đề như điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu, ứng dụng đổi mới sáng tạo.

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, WEF Thiên Tân là hội nghị hết sức quan trọng diễn ra trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu đang có sự suy giảm và các nước đang tìm mọi cách để thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để phục hồi kinh tế.

 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam lần này sẽ góp phần rất quan trọng cho thành công chung của hội nghị, trong đó có ba khía cạnh.

 

Thứ nhất, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, chuyển đổi và có độ mở lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp khu vực và toàn cầu cũng như các Chính phủ trong bối cảnh ngày càng khó khăn như hiện nay cần phải tăng cường hợp tác, mở cửa thị trường hóa cho thương mại và đầu tư, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và khơi thông các nguồn lực để phục hồi kinh tế đang có xu hướng suy giảm hiện nay.

 

Thứ hai, thông qua hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những kinh nghiệm, bài học của các nền kinh tế thành viên khác cũng như các doanh nghiệp lớn trong việc tạo dựng khơi thông, kích hoạt và tranh thủ các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn để góp phần hiện thực hóa các mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, sáng tạo dựa trên khoa học công nghệ và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

 

Thứ ba, thông qua hội nghị rất quan trọng này, với sự tham dự đông đảo của Chính phủ và các doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu tiếp tục quan tâm và tăng cường đầu tư hơn nữa vào thị trường Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam.

 

Thủ tướng sẽ nêu bật những vị thế, tiềm năng, lợi thế của nền kinh tế Việt Nam cũng như những định hướng ưu tiên trong phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam, nhất là các lĩnh vực ưu tiên để từ đó thu hút các nguồn lực đầu tư chất lượng cao và các doanh nghiệp hàng đầu tham gia hợp tác cùng có lợi vào các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, trình độ, năng lượng, phát triển khoa học công nghệ, phát triển nền kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế số.

 

Trong các bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng sẽ nêu một số kiến nghị liên quan tới các mô hình hợp tác công tư, mô hình phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp cũng như các biện pháp để thu hút các nguồn tài chính xanh, bền vững vào nền kinh tế Việt Nam.

 

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, trong khuôn khổ Hội nghị WEF Thiên Tân 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại Phiên toàn thể “Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh” và Phiên ăn trưa làm việc của các lãnh đạo về “Ngăn ngừa một thập kỷ mất mát”. Đây đều là các phiên thảo luận trọng tâm trong chương trình nghị sự của hội nghị, nhận được sự quan tâm của các nước, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

 

Nhân dịp tham dự hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo WEF đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược Quốc gia Việt Nam - WEF, tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc và có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước và các tập đoàn dự hội nghị.

 

Sự tham gia của đoàn Việt Nam cùng các nước, tổ chức và tập đoàn hàng đầu thế giới sẽ góp phần đề xuất các giải pháp ở các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và doanh nghiệp, nhấn mạnh vai trò của tư nhân và hợp tác công-tư, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như phát triển xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…

 

Khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, trong đó có Việt Nam, thời gian qua đã tích cực đổi mới mở cửa, duy trì đà tăng trưởng ổn định, trở thành động lực quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực và thế giới, đồng thời giữ vai trò là trung tâm liên kết thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Việc tham dự Hội nghị WEF Thiên Tân 2023 với những thông điệp về các động lực tăng trưởng kinh tế mới cũng là cơ hội để Việt Nam chia sẻ thành tựu, kinh nghiệm, định hướng phát triển, tranh thủ tăng cường hợp tác của WEF, các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn toàn cầu và khu vực để giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

 

Diễn đàn Kinh tế Thế giới được biết đến lần đầu tiên vào tháng 1/1971 với tên gọi Diễn đàn Quản trị Toàn cầu (EMF), khi một nhóm các doanh nghiệp hàng đầu châu Âu gặp nhau dưới sự bảo trợ của Ủy ban châu Âu và Hiệp hội Công nghiệp châu Âu.

 

Người đứng đầu là ông Klaus Schwab, giáo sư về Chính sách Kinh doanh thuộc Đại học Geneva, đã chủ trì cuộc họp được tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ.

 

Từ năm 1987, EMF đã đổi tên thành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Diễn đàn đặt trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ gồm khoảng 1.000 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Đến nay, diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hằng năm tại Davos, Thụy Sĩ.

 

Bên cạnh Hội nghị Davos, hằng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á (nay là WEF ASEAN), Hội nghị thường niên các nhà tiên phong WEF - “Diễn đàn Davos mùa Hè” (tổ chức tại Thiên Tân hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ Latin, Hội nghị WEF về Trung Đông… Đây đều là những cơ hội lớn để các đại biểu trao đổi về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek