Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm được triển khai từ năm 1992, khi Chính phủ thành lập Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm (nay là Quỹ Quốc gia về việc làm). Từ đó đến nay, sau một số lần được bổ sung, điều chỉnh, chính sách này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần sửa đổi cho phù hợp, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai.
Trao đổi về vấn đề nói trên, ông Vũ Phạm Dũng Hà, Trưởng Chính sách việc làm (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết:
- Trước đây, nguồn vốn thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm chủ yếu từ nguồn cho vay quay vòng của Quỹ Quốc gia về việc làm. Sau đó, trên cơ sở Luật Việc làm, Nghị định 61/2015/NĐ-CP lần đầu tiên đã quy định về việc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huy động và được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường ủy thác cho vay qua NHCSXH, góp phần bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí tối đa 10.000 tỉ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu để NHCSXH thực hiện cho vay hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm.
Tính đến ngày 31/5/2023, nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm toàn quốc đạt 70.274 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm là 4.646 tỉ đồng, nguồn vốn do NHCSXH huy động là 38.195 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH là 27.433 tỉ đồng. Doanh số cho vay đạt 138.654 tỉ đồng, với hơn 4,2 triệu lượt khách hàng được vay vốn, giúp cho gần 6,2 triệu lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Dư nợ đạt 70.017 tỉ đồng, với gần 1,5 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Hiện nay, đây là chương trình có dư nợ lớn nhất trong số các chương trình tín dụng đang được triển khai tại NHCSXH (chiếm tỉ trọng 23,16%).
Đối với chương trình cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đến 30/11/2021, dư nợ đạt gần 699,8 tỉ đồng (chiếm 0,29% tổng dư nợ của NHCSXH), bình quân 51 triệu đồng/khách hàng, với 13.594 khách hàng còn dư nợ. Trong năm 2022, ngân hàng đã cho vay 7.498 lượt người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn vốn huy động của ngân hàng và từ Quỹ Quốc gia về việc làm với doanh số cho vay đạt hơn 565,2 tỉ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn quốc có 2.809 người lao động được vay vốn từ NHCSXH để đi làm việc ở nước ngoài với doanh số cho vay gần 210,8 tỉ đồng.
Ông Vũ Phạm Dũng Hà |
* Tại hội thảo đánh giá tình hình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm mới đây, một số đại biểu cho rằng, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Ý kiến của ông như thế nào?
- Qua nhiều năm triển khai, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế về quy định pháp luật liên quan đến Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn cho vay; về đối tượng, điều kiện vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm cũng như đối tượng và điều kiện vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc tổ chức thực hiện cũng có một số hạn chế khi nguồn vốn vay mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người lao động; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc ủy thác vốn qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; một số địa phương chưa chỉ đạo kịp thời các sở ngành, đơn vị liên quan xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng… Những điều này cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm.
Việc sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần thể chế hóa các nội dung tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững cũng như các chỉ thị của Ban Bí thư (Chỉ thị 40-CT/TW, Chỉ thị 05-CT/TW, Chỉ thị 20-CT/TW…). Việc này cũng sẽ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với các công ước, cam kết trong lĩnh vực việc làm mà Việt Nam đã tham gia; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm trong Luật Việc làm 2013.
* Vậy cơ quan chức năng đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm ở những điểm nào, thưa ông?
- Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 nhóm chủ yếu là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; điều kiện vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, Luật Việc làm 2013 quy định nguồn hình thành Quỹ Quốc gia về việc làm gồm ngân sách nhà nước, nguồn hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác. Còn dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm gồm Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, nguồn huy động của NHCSXH được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, nguồn ủy thác khác qua NHCSXH. Dự thảo cũng bổ sung quy định về bố trí nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ ngân sách địa phương: “Hằng năm, ngân sách địa phương bố trí một khoản chi đầu tư phát triển để ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm”.
Anh Nguyễn Văn Bính (phải) ở xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để trồng nấm, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: LÊ HẢO |
Về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Luật Việc làm 2013 quy định đối tượng vay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động. Còn theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đối tượng vay là hộ kinh doanh và người lao động. Dự thảo bổ sung đối tượng người cao tuổi được ưu tiên vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với lãi suất thấp hơn, để phù hợp với bối cảnh già hóa dân số hiện nay. Dự thảo còn bổ sung quy định địa phương quyết định đối tượng ưu tiên đối với nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH.
Về điều kiện vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) thay cụm từ “thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định” bằng cụm từ “hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm”; thay cụm từ “dự án vay vốn/nhu cầu vay vốn” bằng cụm từ “phương án sử dụng vốn”. Dự thảo cũng bỏ cụm từ “tại địa phương” (điểm a khoản 1 Điều 13), bỏ điều kiện về cư trú đối với dự án vay của người lao động.
Dự thảo còn bổ sung quy định cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, đối tượng vay là người lao động, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; thân nhân người có công với cách mạng; lao động thuộc huyện nghèo; lao động bị thu hồi đất; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, dự án…
* Thời gian dự kiến trình thông qua Luật Việc làm (sửa đổi) là khi nào, thưa ông?
- Ngày 2/6/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu dự án Luật Việc làm (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
* Xin cảm ơn ông!
Thời gian qua, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã tạo điều kiện cho người lao động, nhất là lao động nông thôn và nhóm đối tượng yếu thế như lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng thông qua các dự án vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Ông Vũ Phạm Dũng Hà |
LÊ HẢO (thực hiện)