Thứ Bảy, 23/11/2024 08:23 SA
Phát huy ưu thế cộng đồng của mô hình hợp tác xã
Thứ Ba, 23/05/2023 13:00 CH

Tham gia vào mô hình HTX, ThS Nguyễn Trần Vũ đã góp phần đưa cây sim rừng trở thành cây trồng có giá trị trong vườn nhà. Ảnh: CTV

HTX là sở hữu tập thể. Điều này tưởng chừng làm giảm sự linh hoạt, quyết đoán khi tham gia thị trường. Nhưng thực tế, yếu tố này làm tăng khả năng kết nối cộng đồng của HTX và trở thành thế mạnh hiện nay.

 

Đại diện cho số đông

 

Nhiều người không lạ gì với bánh khóm Đồng Din của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa), nhưng ít người biết sản phẩm này từng được sản xuất bởi cơ sở bánh khóm Phong Dương. Chính sự thay đổi từ hộ kinh doanh sang HTX đã tạo ra thương hiệu mới cho sản phẩm và có bước khởi sắc nhất định.

 

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này, chia sẻ: Khi chọn mô hình HTX, tôi muốn hướng tới giá trị cộng đồng, tức là đồng hành cùng bà con trồng khóm trong sản xuất, tiêu thụ. Thực tế cho thấy, cùng xuất phát từ vùng trồng truyền thống Đồng Din nhưng thương hiệu bánh khóm Phong Dương mang tính cá nhân, chỉ thuộc về một hộ sản xuất kinh doanh; còn khi là thương hiệu bánh khóm Đồng Din của HTX thì thuộc về nhãn hiệu tập thể. Người trồng khóm Đồng Din thấy mình trong đó nên mỗi bước tiến của sản phẩm vào thị trường mang theo cả hy vọng phát triển của bà con.

 

Từ hộ kinh doanh lĩnh vực du lịch dịch vụ, khi muốn tập trung vào hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đã quyết định vận động thành viên thành lập HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng An Mỹ (huyện Tuy An).

 

Theo bà Thủy, để tạo ra nền nông nghiệp đa giá trị, cần đẩy mạnh du lịch nông nghiệp và HTX là sự đồng hành thích hợp nhất. Bởi du lịch nông nghiệp là sản phẩm của cả một cộng đồng trong phạm vi làng xóm. Đến với loại hình này, ngoài việc muốn được trải nghiệm hoạt động sản xuất như trồng rau, cấy lúa, dệt vải…, du khách còn muốn hòa mình vào nhịp sống thôn quê với những nếp nhà và con người sinh hoạt bình dị hàng ngày. Một doanh nghiệp có thể tái tạo không gian trong khuôn viên kinh doanh của mình nhưng thiếu đi tính cộng đồng nếu người dân xung quanh không thể tham gia.

 

Còn khi HTX thực hiện, thông qua liên kết các hộ sản xuất, du khách sẽ được sống hòa mình với bà con thôn xóm. Hơn hết, HTX có quan hệ gắn bó truyền thống với hoạt động sản xuất của bà con, là một phần không thể tách rời của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bản chất của HTX là tập hợp bà con và đã thành công khi cùng bà con sản xuất. Mô hình kinh doanh này mang lại lợi ích cho cả nông dân và HTX; từ đây đạt được giá trị cộng đồng mà chính sách nhà nước muốn hướng tới là mang lại lợi ích cho số đông.

 

Kết nối các thành phần

 

Không phân biệt thành phần xã hội, điều kiện kinh tế, thành viên HTX có thể là nông dân, người buôn bán nhỏ, nhà khoa học, doanh nghiệp… Sự đa dạng này giúp HTX tăng khả năng kết nối cộng đồng nên được nhiều cá nhân, tổ chức chọn là mô hình kinh tế để hoạt động.

 

Ông Hoàng Phú Long, chủ cửa hàng trầm hương đá mỹ nghệ ở TP Tuy Hòa, cho biết: Có đủ cơ sở vật chất như nhà xưởng chế biến, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, trang thiết bị…, tôi đã hoàn tất hồ sơ lên doanh nghiệp, nhưng cuối cùng tôi quyết định dừng. Tôi tiếp tục tìm hiểu về mô hình HTX và thấy phù hợp với định hướng phát triển của mình.

 

“Một doanh nghiệp muốn tồn tại cần phải mạnh ngay từ đầu với vốn lớn, cơ sở trang thiết bị cùng hệ thống nhân lực chuyên nghiệp. Tôi vẫn ở giai đoạn khởi nghiệp chưa đủ lực để hoàn chỉnh, thay vào đó tôi cần liên kết những người cùng định hướng để đồng hành. Cái hay của mô hình HTX là có thể kết nối các thành viên tạo thành tổng thể hoàn chỉnh. Cụ thể, tôi có thể kết nối với hộ trồng rừng để đưa vào trồng cây dó bầu tạo trầm, kết nối các hộ làm gỗ, đá mỹ nghệ để sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ trầm nguyên liệu, kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ đưa sản phẩm ra thị trường… Mỗi thành viên sáng lập chỉ cần làm tốt khâu của mình mà không cần đầu tư thêm vốn, nhân lực.

 

HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Liên Xuân Phát ở huyện Tuy An ra đời gắn với sản phẩm rượu vang sim là nỗ lực của các thành viên sáng lập. Không chỉ có nông dân mà còn có cả cán bộ nông nghiệp nghỉ hưu và người làm khoa học tham gia. Trong đó, ThS Nguyễn Trần Vũ, Trưởng bộ môn Trồng trọt, lâm nghiệp thuộc Trường đại học Phú Yên, người khởi xướng ý tưởng, chia sẻ: Tôi muốn đưa cây sim mọc dại trên rừng về vườn nhà và tạo ra sản phẩm từ trái sim nhằm tăng giá trị kinh tế. Một mình tôi không thể thực hiện được và khi chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, tôi nhận được sự đồng tình tham gia. Mỗi thành viên phụ trách một khâu nên sớm có kết quả ngoài mong đợi. 

 

Từ bản chất là “bà đỡ” của kinh tế hộ, kinh tế tập thể coi việc hỗ trợ thành viên là mục tiêu hoạt động, từ đây tạo nên khả năng kết nối cộng đồng của HTX. Thành viên HTX mở rộng tới đâu, năng lực kết nối rộng ra tới đó. Trong giai đoạn hiện nay, với ưu thế này, HTX sẽ phát huy hiệu quả ở những làng nghề, vùng sản xuất, từ đó tạo vị thế riêng so với các thành phần kinh tế khác.

 

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

 

BẠCH VÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek