Ngân hàng là lĩnh vực đặc thù. Ngân hàng phát triển mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Ngược lại, người dân, doanh nghiệp phát triển sẽ giúp ngân hàng ăn nên làm ra. Trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi sau đại dịch như hiện nay, việc ngân hàng đồng hành, tháo gỡ khó khăn, giúp khách hàng tiếp cận vốn thuận lợi là điều cần thiết để duy trì mối quan hệ cộng sinh này.
Kỳ 1: Hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù, ưu đãi lãi suất như chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chính sách phát triển thủy sản, chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, chương trình cho vay ưu đãi lãi suất 2%, cho vay nhà ở xã hội… Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng ban hành các văn bản cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nhóm nợ, giảm lãi suất, giảm phí để hỗ trợ khách hàng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn đến hết 30/6/2024.
Hỗ trợ khách hàng khó khăn
Công ty TNHH Vận tải và Du lịch lữ hành Thành An (TP Tuy Hòa) có hơn chục đầu xe phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải và du lịch lữ hành. Sau một thời gian hoạt động ổn định, doanh nghiệp này bắt đầu rơi vào khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát. “Thời điểm đó, du lịch “đóng băng”, các hoạt động khác của xã hội cũng đình trệ, trong khi lãi ngân hàng và nhiều chi phí khác vẫn phát sinh hàng ngày nên doanh nghiệp thật sự khốn đốn”, chị Nguyễn Thị Tường Vân, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Du lịch lữ hành Thành An cho biết.
Đồ họa: VIỆT AN |
Cầm cự, đắp đổi qua mùa dịch, đến nay, khi du lịch bắt đầu khởi sắc, doanh nghiệp mới có lại nguồn thu. Tuy nhiên, so với thời điểm trước dịch, tình hình kinh doanh hiện nay vẫn rất khó khăn, nhất là đối với lĩnh vực lữ hành. “Hiện nay, một số tour trong nước giá cao hơn tour nước ngoài nên nhiều khách hàng chọn đi nước ngoài để có thêm trải nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều gia đình chọn thuê xe tự lái, tự thiết kế hành trình du lịch nên lượng khách đi theo tour cũng giảm. Vì vậy, mặc dù doanh nghiệp có thu nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, nhất là tiền lãi ngân hàng sau nhiều năm gồng gánh”, chị Vân chia sẻ.
Mong muốn lớn nhất của chị Vân là được giảm lãi, cơ cấu lại nợ và vay mới để duy trì hoạt động, tạo nguồn thu, giải quyết việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp. Và có lẽ mong muốn của chị Vân cũng là mong muốn chung của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi họ đang đối mặt với những khó khăn khác nhau trong giai đoạn hậu COVID-19. Theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phú Yên, khó khăn hiện nay khác với khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Nhìn rộng ra thế giới thì chuỗi cung ứng đứt gãy, xuất khẩu giảm sút; còn tại Việt Nam, nhiều tỉnh thành đầu tàu trong cả nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức âm. Trong bối cảnh chung này, sức mua yếu, các ngành thương mại dịch vụ rất khó phát triển.
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng xem xét trên thực tế khách hàng và năng lực tài chính của mình để cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ ngày 24/4/2023 đến hết 30/6/2024. Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho rằng, cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đã và đang triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 sẽ giúp khách hàng giảm bớt áp lực trả nợ ngân hàng, nhất là những khách hàng gặp khó do nguyên nhân khách quan. Khách hàng được gia hạn nợ, giãn nợ mà không bị chuyển nhóm nợ nên vẫn tiếp cận được nguồn vốn vay mới để duy trì sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển.
Triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi
Ngoài gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hiện một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi với điều kiện vay vốn và lãi suất thấp hơn so với các sản phẩm tín dụng thông thường để kích cầu tín dụng.
Hiện các ngân hàng đang tung ra rất nhiều chương trình ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: LÊ HẢO |
Cụ thể như VietinBank triển khai gói ưu đãi lãi suất với quy mô đến 10.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi từ 7%/năm. BIDV triển khai gói cho vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi từ 8% năm, dành cho khách hàng vay vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh. Vietcombank triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh với quy mô lên tới 100.000 tỉ đồng, mức sàn lãi suất từ 7,5%/năm…
Các ngân hàng cũng triển khai cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ) có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, với lãi suất ngắn hạn là 4,5%/năm; thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ… Ngoài ra, các ngân hàng còn cung ứng nhiều sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bà Huỳnh Trần Hoàng Nha, Phó Giám đốc phụ trách Sacombank Phú Yên cho biết: Ngân hàng đang tập trung vốn cho nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên với lãi suất chỉ từ 7,5%/năm. Bên cạnh ưu đãi lãi suất, ngân hàng còn chủ động tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc của khách hàng để cùng tìm phương án tháo gỡ. Đó cũng là giải pháp giúp ngân hàng đảm bảo an toàn vốn vay.
Còn theo bà Trần Thị Thanh Nguyệt, Phó Giám đốc BIDV Phú Yên, chi nhánh đang cho vay mới với lãi suất ưu đãi đối với những khách hàng thuộc đối tượng ưu tiên như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, BIDV Phú Yên còn thực hiện các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi nhằm khuyến khích khách hàng trả nợ, tiếp tục vay mới để sản xuất, kinh doanh.
“Với vai trò quản lý nhà nước lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát, chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện đúng chương trình ưu đãi lãi suất đã công bố để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn giảm bớt khó khăn. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đồng hành, tìm ra nhiều giải pháp giúp khách hàng sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển”, ông Đặng Hồng Lĩnh khẳng định.
Kỳ 2: Gỡ khó tín dụng từ... bàn cà phê
LÊ HẢO