Kỳ cuối: Xuôi tay chèo để cùng phát triển
“Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, hai bên đang ngồi chung một con thuyền nên phải cùng xuôi tay chèo mới tiến lên được. Nếu hai bên chèo ngược thì kết cục tất yếu là bị đắm giữa dòng”.
Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên khẳng định như vậy khi trao đổi với lãnh đạo các hiệp hội, hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây.
Mạnh dạn nêu khó khăn để tháo gỡ
Theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phú Yên, trải qua một thời kỳ khó khăn, ngân hàng và doanh nghiệp đã giảm sút niềm tin về nhau. Từ đó dẫn đến tình trạng ngân hàng có vốn nhưng doanh nghiệp lại khó vay. “Thực tế, hơn 90% doanh nghiệp ở Phú Yên có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trong quá trình quản trị điều hành, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu tính minh bạch, báo cáo thuế một đằng, báo cáo tài chính để đi vay một nẻo nên khó tạo niềm tin cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, tâm lý của doanh nghiệp Phú Yên là ngại nói về vấn đề của mình trước diễn đàn nên chưa mạnh dạn nêu lên khó khăn mình đang gặp phải để các bên liên quan tháo gỡ”, ông Ngô Đa Thọ nói và bày tỏ mong muốn: Ngân hàng nên có cái nhìn đúng đắn với doanh nghiệp, không phải chỉ vì một vài doanh nghiệp để nợ xấu mà cảnh giác với tất cả các doanh nghiệp còn lại. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể đến với từng doanh nghiệp, tìm hiểu cụ thể tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp, tư vấn giúp doanh nghiệp về dòng tiền, cách lập phương án sản xuất kinh doanh sao cho thuyết phục để dễ dàng tiếp cận vốn hơn.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Phú Yên cũng thừa nhận hạn chế của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là không chủ động nêu lên khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp mình. Nhiều doanh nghiệp gặp vướng thì gửi văn bản đến hội nhờ tháo gỡ, trong khi hội chỉ là đơn vị trung gian, không phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc này.
Đồ họa: VIỆT AN |
“Tôi đã nhiều lần trao đổi với doanh nghiệp hội viên, nếu có vướng mắc thì cứ trình bày thẳng thắn tại các diễn đàn chứ đừng chỉ gửi văn bản. Trường hợp không có thắc mắc thì cũng nên tham dự các diễn đàn để lắng nghe doanh nghiệp bạn và cơ quan chức năng nói gì, sau đó rút kinh nghiệm và biết cách xử lý nếu sau này doanh nghiệp mình gặp phải. Người làm chủ doanh nghiệp phải năng động, phải biết tự thân vận động trước khi nhờ người khác giúp đỡ, có như vậy doanh nghiệp mới phát triển được”, bà Nga chia sẻ.
Hoan nghênh nỗ lực kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, ông Ngô Văn Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên cho biết: Sau hơn 2 năm dịch bệnh, hiện nay, hầu như doanh nghiệp du lịch nào cũng vướng “lý lịch” xấu nên gần như không được hưởng các chính sách ưu đãi của ngành Ngân hàng. Vì vậy, ngoài việc gặp gỡ chung, chúng tôi mong muốn ngân hàng có những cuộc gặp nhóm nhỏ, gặp riêng từng đối tượng doanh nghiệp để tháo gỡ cụ thể.
Tương tự, theo ông Trần Bá Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp huyện Tây Hòa, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên nên luân phiên tổ chức hội nghị kết nối tại các huyện, thị xã, thành phố để có nhiều doanh nghiệp địa phương tiếp cận thông tin và được tư vấn hỗ trợ. Bởi nếu các hội nghị này chỉ tập trung tổ chức tại TP Tuy Hòa thì doanh nghiệp địa phương sẽ khó tham gia.
Cải cách thủ tục vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn
Thời gian qua, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động. Sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, những tưởng doanh nghiệp có thể khôi phục sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát thì lại xảy ra xung đột giữa một số nước, làm ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa trên thị trường. Trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thực sự đã “ngấm đòn”. Và như vậy thì ngân hàng cũng không vui vẻ gì. “Bởi mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp như môi với răng, “môi hở răng lạnh”, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng sẽ chật vật nên hơn bao giờ hết chúng ta phải đoàn kết, đồng thuận, có tiếng nói chung”, ông Đặng Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, minh bạch về tài chính sẽ dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP Tuy Hòa. Ảnh: LÊ HẢO |
Trước những khó khăn vừa qua của doanh nghiệp, sau khi trao đổi, nắm bắt ý kiến của đại diện các hiệp hội, hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, tiếp tục cải tiến, hiện đại hóa quy trình cung cấp, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành ứng dụng công nghệ tiên tiến, triển khai mạnh mẽ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nhằm tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp, nhất là người có thu nhập thấp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên còn chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn ưu tiên cân đối nguồn vốn, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường nguồn vốn tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt là nhóm sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền các chính sách tín dụng để người dân, doanh nghiệp nắm và hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình trong quá trình phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, cùng sự hướng dẫn của Hội sở chính, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ, tối ưu hóa việc phân tích, đánh giá, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp trước khi ra quyết định cho vay. Ngân hàng cũng thành lập bộ phận chuyên quản lý về hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho phép áp dụng đa dạng, linh hoạt các biện pháp về tài sản bảo đảm để tháo gỡ khó khăn về việc thiếu tài sản bảo đảm của doanh nghiệp. Bà Trần Thị Thanh Nguyệt, Phó Giám đốc BIDV Phú Yên cho biết: Để hội đủ điều kiện vay vốn, doanh nghiệp phải đảm bảo khách quan trung thực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Đồng thời, doanh nghiệp cần cải thiện những điểm còn hạn chế về năng lực tài chính, kỹ năng quản trị điều hành và chất lượng các báo cáo tài chính phương án kinh doanh cũng như dự án đầu tư để tạo niềm tin cho ngân hàng.
“Tôi tin rằng sắp tới nếu doanh nghiệp có những ý tưởng kinh doanh tốt, minh bạch về mặt tài chính, cùng với nỗ lực cải cách thủ tục của ngành Ngân hàng thì sẽ hạn chế phần nào những nút thắt mà lâu nay ngân hàng và doanh nghiệp hay gặp phải trong việc khơi thông dòng vốn tín dụng”, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên Đặng Hồng Lĩnh nói.
LÊ HẢO