Mới đây, tại cuộc họp với đại diện Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tập đoàn xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối…, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng.
Các doanh nghiệp đầu mối phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu), bảo đảm cung cấp đủ cho thị trường trong nước thời gian tới; tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung; cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ; chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý.
Bộ trưởng Công Thương cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu trong nước diễn ra khá ổn định, nguồn cung tương đối dồi dào, giá cả hợp lý, cơ bản bám sát giá thế giới. Tổng nguồn cung xăng dầu từ 3 nguồn nhập khẩu, sản xuất và pha chế trong quý I/2023 đạt khoảng 5,980 triệu m3/tấn, chiếm khoảng 21,9% tổng nguồn xăng dầu năm 2023, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, bởi hoạt động của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thời điểm không ổn định, ảnh hưởng đến tính chủ động của nguồn cung xăng dầu trong nước. Về nguồn cung nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, một số doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thực hiện đủ số lượng phân giao, chưa làm tròn bổn phận với hệ thống phân phối của mình. Hệ thống kinh doanh xăng dầu nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng, trong khi đây là mặt hàng chiến lược, cần có cơ chế riêng.
KHANG ANH (tổng hợp)