Thứ Hai, 25/11/2024 06:16 SA
Tư thương tìm cách vượt qua khó khăn
Thứ Tư, 19/04/2023 15:07 CH

Thời gian gần đây, sức mua của người dân tại các chợ truyền thống giảm. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại một chợ ở huyện Sơn Hòa. Ảnh: KHANG ANH

Những tháng qua, hoạt động mua bán ở các chợ, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khá ảm đạm. Nhiều tư thương phải loay hoay tìm cách cải thiện sức mua, giải quyết khó khăn trước mắt.

 

Chợ, siêu thị, hàng quán… vắng khách

 

Mở quán ăn ở phường 6 (TP Tuy Hòa) được gần 6 năm, bình quân mỗi tháng, ông Lê Văn Vương thu về khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Thế nhưng hơn 2 tháng nay, nguồn thu của quán chỉ đủ trả chi phí. Ông Vương cho biết: Từ 5, 6 nhân viên, hiện tại quán chỉ thuê 3, trong đó có 2 người phục vụ bếp và 1 người phục vụ bàn ăn. Khách đến quán ngày càng ít, có hôm phục vụ được 1-2 bàn nên tôi cũng chỉ biết cầm cự, chờ đến mùa du lịch để xem tình hình có cải thiện không. Nếu cứ thế này, tôi phải tính đến hướng kinh doanh khác.

 

Cũng như ông Vương, nhiều chủ quán ăn, nhà hàng khác cũng than ế ẩm, thu không đủ chi nên mở cửa không đều đặn như mọi năm. “Mở quán mà không có khách thì phục vụ cho ai. Vừa rồi tôi cho người làm nghỉ hơn cả tuần và tạm ngưng nhập thực phẩm. Tôi chỉ mới mở bán lại từ đầu tuần này để khách biết và đến ủng hộ trong kỳ nghỉ lễ sắp tới”, bà Lê Thị Thoa, chủ một quán bò ở phường 9 (TP Tuy Hòa) nói.

 

Tại các chợ truyền thống, sức mua cũng giảm phân nửa. Chị Nguyễn Thị Nhàn, bán thịt heo ở chợ Tân Hiệp (phường 2, TP Tuy Hòa) cho biết: Kể cả dịp tết vừa qua, sức mua cũng chỉ bằng 70-80% so với tết các năm trước. Từ sau tết đến nay, tình trạng ế ẩm kéo dài, tôi ngồi bán cả ngày mà chỉ được 45-50kg thịt. Tính ra nhu cầu mua thực phẩm của các hộ gia đình giảm nhiều so với trước.

 

Không những ngành hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn, các ngành hàng quần áo, vải, giày dép, hóa mỹ phẩm, nội thất… cũng chung tình trạng ế ẩm. Bà Trần Thị Thủy Liên, chủ sạp quần áo ở chợ Tuy Hòa chia sẻ: Hiện là thời điểm giao mùa nhưng tôi không dám nhập hàng mới vì sợ không bán được. Cả ngày không có khách đến sạp hỏi mua thì nhập hàng mới về cũng sẽ bị lỗi mốt. Sáng ra mở sạp đến chiều lại thu dọn vào, không biết lấy tiền đâu trang trải chi phí.

 

Theo chị Trần Thị Hòa (phường 9, TP Tuy Hòa), hiện nay kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, nhiều người chọn mua sắm trực tuyến thay vì đến cửa hàng mua trực tiếp nên lượng khách hàng ở các điểm bán trực tiếp sụt giảm là khó tránh khỏi.

 

Chuyển đổi phương thức kinh doanh

 

Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng ban Quản lý chợ Chí Thạnh (huyện Tuy An) cho biết: Chợ Chí Thạnh có gần 400 hộ kinh doanh cố định và không cố định. Chợ họp từ 5 giờ sáng đến chiều tối nhưng hiện tiểu thương chỉ bán được buổi sáng với mức 50-60% so với năm trước, còn buổi chiều thì hầu như không bán được. Giảm nguồn thu nên tiểu thương chậm nộp các khoản phí. Từ sau tết đến nay đã có 5 tiểu thương của chợ xin nghỉ bán, một số khác muốn sang nhượng sạp nhưng khó thực hiện trong thời điểm này vì không ai dám nhận.

 

Theo ý kiến của một số ban quản lý chợ khác trên địa bàn, trước tình hình ế ẩm, nhiều tiểu thương bắt đầu chuyển đổi phương thức kinh doanh, vừa bán hàng trực tiếp vừa bán hàng online. Một số tiểu thương đã gia tăng số lượng hàng bán online lên đến 55-60% trên tổng lượng hàng bán ra. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh, nhất là ngành hàng thực phẩm ở các chợ còn nhận sơ chế, nhận đặt và giao hàng tận nhà để giữ bạn hàng.

 

Không riêng các chợ truyền thống, tình hình kinh doanh không mấy khởi sắc cũng diễn ra ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, do đó việc tìm giải pháp ứng phó cũng đã được các đơn vị tính đến. Ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa cho biết: Sau tết, mức tiêu thụ tại siêu thị chậm dần, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Để kích cầu tiêu dùng, siêu thị đã tăng cường các chương trình ưu đãi, giảm giá nhiều hơn mọi năm để vừa cải thiện sức mua vừa giảm áp lực cho người tiêu dùng.

 

Nhiều người dân cho rằng, kinh tế khó khăn dẫn đến thay đổi thói quen tiêu dùng, người dân mua sắm số lượng nhỏ hoặc ít hơn trước đây. Trong khi đó, kênh bán hàng cũng xuất hiện ngày càng đa dạng nên người tiêu dùng chia sẻ lượng mua.

 

KHANG ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek