Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với những vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, các chính sách, biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là công cụ quan trọng, hữu ích để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước. Vấn đề này được các ngành chức năng đề cập trong Hội thảo tuyên truyền, phổ biến các biện pháp PVTM do Sở Công Thương phối hợp Cục PVTM (Bộ Công Thương) tổ chức tại Phú Yên mới đây.
Công cụ hợp pháp hỗ trợ nền kinh tế
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Việt Nam đã hội nhập và liên kết quốc tế toàn diện, sâu rộng vào các nước trên thế giới; đã ký cam kết, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…, là những hiệp định có quy mô cam kết và tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay. Các FTA thế hệ mới mang lại những tác động tích cực như thu hút các nước đầu tư, góp phần thúc đẩy nền kinh tế, nâng cao kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, chế biến. Các FTA cũng xóa bỏ phần lớn thuế quan về hàng hóa giữa Việt Nam với các nước, mang lại cơ hội cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho doanh nghiệp, người dân…
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Bích cũng cho rằng, các FTA mang lại không ít thách thức, khó khăn, vì thời điểm Việt Nam gia nhập sâu rộng vào các nước cũng là thời điểm thị trường trong nước dần mở cửa để đón các làn sóng đầu tư, thương mại, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền sản xuất trong nước, môi trường, vấn đề giải quyết tranh chấp. Các thông tin, biện pháp PVTM luôn cần thiết đối với công tác quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Trọng, chuyên viên Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ (Cục PVTM) thông tin: Nguyên nhân dẫn tới các vụ PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng hóa xuất khẩu… là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện các cam kết theo WTO và các FTA, các nước cắt giảm thuế nhập khẩu, quốc gia nào có xuất khẩu càng lớn thì nguy cơ trở thành đối tượng của các biện pháp PVTM càng nhiều. Trong khi đó, quy mô xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh và trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 20 trên thế giới. Số lượng các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của nước ta cũng gia tăng, như giai đoạn 2005-2010 có 25 vụ, 2011-2015 là 52 vụ, 2016-2021 109 vụ và tính đến tháng 10/2022 có tổng số 224 vụ nên cần có các biện pháp PVTM.
Đơn cử với mặt hàng nông, thủy sản và thực phẩm Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa cho biết: Các quốc gia nhập khẩu và đối tác trong các FTA đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật… Tuy nhiên, trong điều kiện mở cửa thị trường, nhiều nông sản của Việt Nam vẫn xuất được sang EU, Trung Quốc, châu Mỹ. Như vậy việc có hòa nhập, phát triển, ổn định hoạt động xuất khẩu các mặt hàng trên được hay không còn phụ thuộc nhiều vào năng lực, nhận thức của doanh nghiệp trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật, yêu cầu của đối tác, thị trường; khả năng xử lý các thông tin về PVTM của doanh nghiệp, các cơ quan liên quan. Vì đến thời điểm này, các biện pháp PVTM là công cụ hợp pháp để hỗ trợ nền kinh tế, các ngành sản xuất tồn tại; giảm áp lực cạnh tranh của hàng xuất nhập khẩu, ổn định sản xuất của doanh nghiệp, bảo vệ việc làm cho người lao động.
Cần sự đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp
Theo đại diện các ngành chức năng, đối mặt với các vấn đề mới nảy sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như các vụ khởi kiện, tranh chấp trong giao dịch, quan hệ quốc tế… , nhiều quốc gia đã nghiên cứu và xây dựng các hàng rào kỹ thuật để hỗ trợ, bảo vệ các ngành sản xuất tồn tại, phát triển. Và hệ thống pháp luật của Việt Nam về PVTM cũng được ban hành khá sớm, từ năm 2003 dưới dạng Pháp lệnh để phục vụ việc đàm phán gia nhập WTO. Sau quá trình áp dụng, Việt Nam đã từng bước củng cố hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PVTM khá hoàn chỉnh, đưa vào Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định về việc xử lý các vụ việc PVTM do nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam, hoàn thiện hệ thống pháp luật về PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA, ban hành các thông tư hướng dẫn thực thi các biện pháp PVTM trong các FTA…
Có cơ sở, biện pháp PVTM, song việc giải quyết tranh chấp, ứng phó với các vụ điều tra do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam cũng không hề dễ dàng. Bà Nguyễn Trang Nhung, chuyên viên Phòng Xử lý PVTM nước ngoài (Cục PVTM) cho biết: Khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc giữa doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa các nước là vấn đề khác biệt về nội luật, quy định, thủ tục, trình tự điều tra về PVTM; khác biệt về ngôn ngữ trong nghiên cứu, cung cấp thông tin; hiểu biết về PVTM còn hạn chế, thông tin doanh nghiệp không cụ thể, rõ ràng. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với Cục PVTM trong quá trình cung cấp thông tin, chủ động nâng cao năng lực PVTM. Các hiệp hội phải phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý và bảo vệ lợi ích chung của ngành. Doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức cơ bản về PVTM; thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với các hiệp hội, nhà xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước; xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực; xây dựng hệ thống quản trị, kế toán đầy đủ, chặt chẽ.
Ông Bùi Xuân Khương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP An Hưng chia sẻ: Hiện công ty gia công hàng may mặc với 90% lượng hàng phục vụ cho thị trường Mỹ, 10% còn lại là các nước châu Âu, châu Á. Công ty cũng phải nhập khẩu khoảng 65% nguyên phụ liệu mới đáp ứng đủ cho hoạt động sản xuất. Tuy hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi; công tác kiểm tra đơn hàng, kiểm định chất lượng cũng được thực hiện chặt chẽ, có sự hỗ trợ, kiểm soát của các đối tác; nhưng thông tin, quy định... về PVTM luôn được công ty cập nhật, trang bị thường xuyên để đề phòng các vấn đề có thể xảy ra.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM nhấn mạnh: Chủ trương của Chính phủ là kiên quyết ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp PVTM nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ lợi ích của các ngành, doanh nghiệp chân chính. Trong thời gian tới, các ngành, hiệp hội, doanh nghiệp cần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm theo cả chiều rộng và chiều sâu; tiến tới chủ động được một phần lớn nguyên liệu đầu vào; thận trọng trong xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu; hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, sổ sách kế toán. Các đơn vị tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; phối hợp với các đơn vị liên quan trong ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp PVTM; thu thập, tổng hợp số liệu, bằng chứng về thiệt hại hoặc sự gia tăng nhập khẩu để bảo vệ lợi ích của chính doanh nghiệp.
VÕ PHÊ