Tại TP Tuy Hòa, Sở Công Thương vừa phối hợp Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tổ chức trưng bày 26 gian hàng sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh. Hoạt động này đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng, các nhà phân phối, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, góp phần kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thêm cơ hội quảng bá sản phẩm
Sở hữu cơ sở sản xuất tinh dầu sả, bưởi được gần 1 năm nay, chị Phạm Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Trồng, chế biến dược liệu Hoàng Minh House (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) phấn khởi khi được tham gia trưng bày sản phẩm tại khu vực trung tâm TP Tuy Hòa. Chị Hằng cho biết: Sản phẩm tinh dầu của công ty hiện chỉ bán online và một số cửa hàng nhỏ lẻ trong tỉnh. Vì vậy, việc tham gia chương trình kết nối, trưng bày, quảng bá sản phẩm do ngành Công Thương tổ chức là một cơ hội lớn để sản phẩm của công ty đến gần hơn với người tiêu dùng và có thể tiêu thụ được ở các tỉnh bạn.
Còn theo chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, chủ hộ sản xuất nước tẩy rửa sinh học (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa), sản xuất ra một sản phẩm đã khó nhưng để sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường lại càng khó hơn. Chị luôn tìm cách để phát triển, tăng mức tiêu thụ cho sản phẩm làm ra nên đã tích cực tham gia nhiều chương trình quảng bá, trưng bày hàng hóa ở các địa phương. Chị Hồng nhận thấy qua những đợt trưng bày, sản phẩm của cơ sở được nhiều người biết và chọn mua. “Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khởi nghiệp TP Tuy Hòa, tôi luôn mong muốn sản phẩm do chị em trong CLB làm ra có thể tìm được khách hàng. Do đó, mỗi khi các ngành chức năng tổ chức chương trình kết nối, giới thiệu sản phẩm, tôi đều vận động chị em cùng tham gia để sản phẩm của địa phương được nhiều người tiêu dùng biết đến”, chị Hồng nói.
Theo Sở Công Thương, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức một hội chợ thương mại và 2 chương trình kết nối cung cầu, trưng bày hàng hóa giữa doanh nghiệp Phú Yên với doanh nghiệp các tỉnh và người tiêu dùng. Các chương trình được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tích cực tham gia. Qua các chương trình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể nắm bắt nhu cầu, thị hiếu người dùng, từ đó thể hiện cam kết, trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà sản xuất với người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới.
Hỗ trợ mở rộng thị trường
Theo ý kiến của một số cơ sở sản xuất trên địa bàn, thời gian vừa qua, bên cạnh ngành Công Thương, các ngành chức năng khác cũng tạo cơ hội giúp các cơ sở quảng bá sản phẩm, trong đó có Hội LHPN tỉnh, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, chính quyền địa phương và các tổ chức, hội đoàn thể trên địa bàn. Hiệu quả từ các hoạt động, chương trình kết nối, trưng bày cũng ngày càng tốt hơn, mang lại hiệu ứng tích cực là các cơ sở sản xuất ngày càng có thêm khách hàng, nhà phân phối sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết thêm: Mỗi cơ sở sản xuất đều có những cách riêng để mở rộng tiêu thụ sản phẩm do chính mình làm ra như trực tiếp giới thiệu đến các điểm bán, giới thiệu thông qua bạn bè, người thân, hay cho khách hàng dùng thử miễn phí, bán online… Tuy nhiên, theo tôi hiệu quả nhất vẫn là trưng bày, quảng bá thông qua các chương trình kết nối do ngành chức năng tổ chức. Đây là các chương trình tổ chức có quy mô, uy tín nên khi tham gia trưng bày, sản phẩm của các cơ sở dễ được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận hơn. Tôi và nhiều cơ sở, doanh nghiệp mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các ngành chức năng, nhất là Sở Công Thương để chúng tôi có cơ hội quảng bá sản phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong mỗi đợt trưng bày, kết nối cung - cầu hàng hóa, các sản phẩm mây tre đan, yến sào, dược liệu, cá ngừ đại dương, chả giò, nhân hạt điều, gạo lứt hoa vàng, bột ngũ cốc, cà phê… của địa phương thu hút được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng, nhà phân phối, bán lẻ hàng hóa trong và ngoài tỉnh như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Kon Tum... Chúng tôi hy vọng các chương trình được đông đảo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia, từ đó, sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh sẽ tìm thấy thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững. Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại và trong năm 2023 sẽ tổ chức thêm các hoạt động, chương trình tương tự để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao văn hóa kinh doanh, cập nhật thông tin thị trường, tôn trọng quyền lợi, lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng để ngày càng hoàn thiện sản phẩm. Các doanh nghiệp phải coi quyền lợi của người tiêu dùng là thước đo sự thành công của mình.
KHANG ANH