Thực tế cho thấy hiện vẫn còn không ít đối tượng chính sách chưa nắm rõ những ưu đãi từ các chương trình tín dụng chính sách mang lại. Làm thế nào để nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng, góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế được những thất thoát, tiêu cực? Báo Phú Yên trao đổi với ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên xung quanh vấn đề này.
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Yên giải ngân tại địa phương người vay vốn - Ảnh: Q.THUẦN |
* Các hộ nghèo muốn vay vốn ưu đãi phải qua những thủ tục gì?
- Ngân hàng Chính sách xã hội đã có các điểm giao dịch tại các xã. Người vay không phải đến trụ sở ngân hàng mà chỉ đến xã để thực hiện vay, trả. Tại các điểm giao dịch này, ngân hàng thực hiện công khai chính sách, dư nợ cho mọi người biết, giám sát. Thủ tục vay vốn rất đơn giản, công khai tại các điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội.
* Hiện có không ít người nghèo chưa hiểu hết ý nghĩa các chương trình tín dụng ưu đãi, ngại vay vốn, thậm chí không biết dùng tiền ngân hàng vào việc gì. Ngân hàng Chính sách xã hội có biện pháp gì để giúp họ sử dụng vốn vay có hiệu quả?
- Đây là cái khó nhất của chương trình tín dụng dành cho người nghèo, làm sao hướng dẫn cho người nghèo sử dụng vốn vay có hiệu quả theo phương châm “Trao cho người nghèo cần câu thay cho xâu cá”. Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... Các chính sách này cần phải được kết hợp chặt chẽ với chính sách tín dụng. Về phía ngân hàng, chúng tôi sẽ có kiến nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước phối hợp chặt chẽ để tư vấn cho người nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn được vay. Tăng cường công tác giám sát để hạn chế tiêu cực
* Vấn đề dư luận quan tâm là làm thế nào để vốn vay chính sách đến được các đối tượng chính sách?
- Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức có hiệu quả việc chuyển tải nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện thành công việc ủy thác từng phần qua bốn tổ chức chính trị - xã hội là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Ngân hàng trực tiếp phát tiền vay, trực tiếp thống kê, nhưng các khâu khác như bình xét, giúp đỡ người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả… Ngân hàng ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương. Với cách làm như vậy, vốn chính sách đã đến được đúng đối tượng chính sách. Quá trình cho vay vốn chính sách được công khai hóa, dân chủ hóa, dưới sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân.
* Xin cảm ơn ông!
Đến nay, tổng dư nợ tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Yên đã đạt trên 600 tỉ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2003. Nguồn vốn được đầu tư vào bảy chương trình trực tiếp phục vụ hộ nghèo, đối tượng chính sách và vùng khó khăn là cho vay hộ nghèo, hộ sống ở vùng khó khăn, học sinh – sinh viên, nước sạch – vệ sinh môi trường, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm với trên 100.000 lượt hộ vay vốn. Mỗi năm có trên 3.500 hộ thoát nghèo từ các chương trình tín dụng ưu đãi.
NGỌC QUANG (thực hiện)