Hôm qua (2/10), thị trường tiền tệ Phú Yên chứng kiến đợt điều chỉnh lãi suất lớn nhất từ đầu năm đến nay. Tuy mức điều chỉnh mỗi ngân hàng khác nhau nhưng đều tạo ra những phản ứng tích cực đến thị trường tiền tệ: khách hàng đã mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay trong khi các ngân hàng cam kết không thiếu vốn.
BIDV là ngân hàng thương mại có mức giảm lãi suất mạnh nhất,còn 18,2%/năm - Ảnh: Q.THUẦN |
“LÀN SÓNG” GIẢM LÃI SUẤT
Ngày 2/10, tất cả 6 ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đã đồng loạt thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam (VND), ngoại tệ (USD) và lãi suất huy động. Đây là bước thiết lập mặt bằng lãi suất mới sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 3,6%/năm lên 5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn VND của các ngân hàng như Ngoại thương (Vietconbank), Công thương (Vietinbank), Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) được điều chỉnh xuống còn 19,5%/năm, tương đương 1,625%/tháng, giảm 0,5% - 1% so với trước đây. Đối với lãi suất cho vay USD, các ngân hàng áp dụng ở mức 6% - 7%/năm, giảm 0,5% - 0,8%/năm tùy từng ngân hàng. Ông Lại Duy Thường, Trưởng phòng Tín dụng Agribank Phú Yên, cho biết: “Ngoài giảm lãi suất cho vay đối với những khách hàng thông thường, Agribank còn giảm lãi suất cho vay đối với xuất khẩu và lĩnh vực ưu tiên theo chính sách khách hàng từ 19,2% xuống còn 18%/năm, tức giảm 1,2%/năm, đối với ba nhóm khách hàng gồm khách hàng truyền thống, khách hàng cầm cố giấy tờ có giá trị do Agribank phát hành, khách hàng hộ sản xuất, doanh nghiệp thu mua nông thủy sản xuất khẩu”.
Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) lãi suất cho vay ngắn hạn VND cũng được điều chỉnh từ 21%/năm còn 20,4%/năm, tương đương 1,7%/tháng. Tuy không tiết lộ mức giảm cụ thể bao nhiêu, nhưng đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng khẳng định lãi suất cho vay của ngân hàng này chắc chắn sẽ giảm và tùy thuộc vào từng khách hàng, số tiền vay nhiều hay ít, vay ngắn hạn hay trung – dài hạn sẽ có mức điều chỉnh phù hợp. Trong số các ngân hàng thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay đợt này, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư – phát triển (BIDV) tại Phú Yên có mức giảm “sâu” nhất dành cho các món vay ngắn hạn. Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó giám đốc BIDV Phú Yên, cho biết hiện lãi suất cho vay VND dành cho khách hàng thông thường chỉ còn 18,2%/năm, tương đương 1,517%/tháng, giảm 1,8%/năm. Khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng mức lãi suất 17,8%/năm, tương đương 1,483%/tháng và 17,5%/năm, tương đương 1,458%/tháng, dành cho khách hàng là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trực tiếp tạo sản phẩm, tham giá bình ổn thị trường như xi măng, thuốc chữa bệnh, phân bón…
Ngay sau khi các ngân hàng thương mại cắt giảm lãi suất cho vay, thị trường tiền tệ ở Phú Yên đã có những phản ứng tích cực. Nhiều doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất 18% - 19%/năm tương đối hợp lý, có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn. Tại các điểm giao dịch, tư vấn khách hàng của các ngân hàng thương mại, số lượng khách đến làm thủ tục đông hơn trước đây. Ông Lê Thanh Châu, Giám đốc DNTN Thuận Châu (TP Tuy Hòa), nói: “Dù lãi suất cho vay giữa các ngân hàng còn sự chênh lệch khá lớn nhưng với mức lãi suất này doanh nghiệp có thể yên tâm làm ăn để có chút lợi nhuận”.
Giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Phú Yên- Ảnh: QUANG THUẦN |
Một số ngân hàng thương mại cũng đã thực hiện giảm luôn lãi suất huy động. Hiện đỉnh lãi suất huy động 18,5%/năm không còn tồn tại. Tại DongA Bank- ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất ở Phú Yên hiện nay- kỳ hạn một năm cũng chỉ còn 17,34%, kỳ hạn một tuần còn 15,4%. Các ngân hàng cho rằng, lãi suất đầu vào giữ ở mức cao trong thời gian qua, trong khi đầu ra bị khống chế đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng nên khi lãi suất cho vay ra xuống thì lãi suất huy động vào cũng phải xuống theo từng ứng để đảm bảo hoạt động. Theo đại diện một số ngân hàng, động thái để các ngân hàng giảm lãi suất là do Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lên 5%/năm; đồng thời cho phép các ngân hàng thương mại sử dụng tiền mua tín phiếu bắt buộc hồi tháng 3 vừa qua để cầm cố vay vốn, chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước, được sử dụng làm công cụ cho nghiệp vụ thị trường mở nên tính thanh khoản được đảm bảo.
VỐN ĐANG CHỜ NGƯỜI VAY
Hiện hoạt động cho vay tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đã được nới rộng, không còn quá khắt khe như những tháng qua. Hầu hết các ngân hàng đều có kế hoạch nâng hạn mức vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dịp cuối năm. Tùy từng trường hợp, tính khả thi của dự án, uy tín của khách hàng mà ngân hàng sẽ quyết định hạn mức đầu tư vốn cũng như lãi suất vay. Ông Lê Tấn Vân, Giám đốc VietinBank Phú Yên, khẳng định nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng này hiện rất dồi dào và không ngại “rót” vốn hỗ trợ khách hàng, vấn đề là phải chứng minh được hiệu quả của đồng vốn đầu tư. Còn tại Agribank, ngoài nguồn vốn kinh doanh trong kế hoạch năm 2008, ngân hàng này vừa được bổ sung thêm 170 tỉ đồng để cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp- nông thôn, cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp thu mua nông - thủy sản xuất khẩu. Ông Thường cho biết thêm: “Kế hoạch tăng trưởng tín dụng của Agribank Phú Yên khoảng 20%/năm, trong đó dành 72%-75% dư nợ của mình đầu tư cho nông nghiệp-nông thôn”.
Tác động hợp lý giữa cung - cầu Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, việc các ngân hàng giảm lãi suất, đẩy mạnh cho vay trong thời điểm hiện nay cho thấy khả năng tiếp cận vốn những tháng cuối năm đối với doanh nghiệp không còn quá khó khăn. Sở dĩ các ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay là vì đến thời điểm này người vay cũ vẫn thực hiện trả nợ tốt theo hợp đồng. Trong khi đó, yếu tố thị trường tác động không nhỏ, một thời gian khá dài các hoạt động đầu tư chứng khoán, bất động sản trầm lắng, nhiều nhà đầu tư quay trở lại cách giữ tiền truyền thống là gửi ngân hàng khiến nguồn vốn “chảy” vào ngân hàng tăng. Khi nguồn vốn khả dụng tăng, các ngân hàng phải đẩy nhanh việc cho vay để đảm bảo hoạt động của ngân hàng, kích thích kinh tế phát triển.
QUANG THUẦN