Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) giai đoạn mới (gọi tắt là Nghị quyết 20), Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 20, Chương trình hành động 25 Tỉnh ủy Phú Yên về thực hiện Nghị quyết 20 là kim chỉ nam định hình khái niệm và quá trình phát triển thành phần KTTT.
Sản phẩm của HTX và các đơn vị kinh tế khác của tỉnh được trưng bày tại hội nghị toàn quốc. Ảnh: CTV |
Bám sát nghị quyết, chương trình hành động
Theo Liên minh HTX tỉnh, mô hình HTX, nòng cốt của thành phần KTTT thời kỳ bao cấp khác với mô hình HTX hiện nay. Cụ thể, Nghị quyết 20 đưa ra quan điểm chỉ đạo: KTTT lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. KTTT phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên KTTT bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức KTTT…
Kế thừa quan điểm này, Tỉnh ủy Phú Yên đưa ra nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nhiều khía cạnh. Trong đó khẳng định: Đóng góp về mặt kinh tế của KTTT là tỉ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh, là hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của tổ chức, thu nhập của thành viên… Đóng góp về mặt xã hội của KTTT là số lượng thành viên, số lượng việc làm, việc đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua, hoạt động nhân đạo từ thiện, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tỉnh xác định, phát triển KTTT là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhằm khơi dậy và phát huy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), cho biết: Các HTX nông nghiệp được định hướng phát triển hoạt động gắn với chuỗi liên kết theo giá trị và được thể hiện rõ trong mục tiêu là đến năm 2030, toàn tỉnh có trên 45 mô hình chuỗi giá trị liên kết gắn với phát triển sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững… Điều này phù hợp với các chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn lớn của tỉnh như tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…
Phù hợp nhu cầu thực tế
Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết thêm: Nhìn vào thực tế hoạt động của các HTX nông nghiệp thời gian qua, cho thấy việc các HTX xây dựng chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu theo hướng OCOP đã tạo ra thành công bước đầu cho quá trình gia nhập thị trường và khẳng định thương hiệu HTX trên thị trường. Bởi đây là con đường duy nhất để HTX đẩy mạnh tiêu thụ và làm tốt vai trò bao tiêu nông sản cho các hộ sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích ngày càng nhiều HTX nông nghiệp xây dựng chuỗi giá trị nông sản sẽ tạo ra môi trường giao thương bền vững trong khối KTTT thông qua liên kết giữa HTX với HTX, thúc đẩy HTX liên kết với doanh nghiệp và các đơn vị kinh tế khác.
Không chỉ là HTX mà KTTT là hợp tác, góc nhìn mới sẽ nâng vị thế giúp thành phần kinh tế này thoát khỏi cái bóng của mô hình cũ. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, đơn cử cây sen, không riêng TX Đông Hòa mà huyện Tây Hòa, TP Tuy Hòa… đều phát triển và có HTX sản xuất, xây dựng thương hiệu. Nếu các HTX sản xuất đơn điệu thì cũng chỉ là chế biến thô cung cấp cho thương lái nhưng khi các HTX liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, liên kết với các đơn vị nghiên cứu giống… thì chính các HTX tạo ra được chuỗi giá trị sen bền vững và làm chủ được thị trường, ít nhất cũng là thị trường toàn tỉnh. Cái bản chất hợp tác của KTTT là ở chỗ đó…
BẠCH VÂN